Trường “quốc tế” ở Việt nam và những cơ hội lũng đoạn chính sách giáo dục Ngày đăng 28/05/2017, 21:53

[Thiel College]
Bộ Giáo dục – Đào tạo (“Bộ GD-ĐT”) vừa ban hành Nghị Định 46/2017 (21/4/2017) quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục.
Nếu tính đến thời điểm Nghị Định 73/2012 (26/9/2012) quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục hay quay về với lịch sử của một số trường có liên kết với nước ngoài như ISHCMC (International School of Ho Chi Minh City) (1993), HIS (Hanoi International School) (1996), đại học RMIT (2001), Việt nam khá sớm quan tâm và coi trọng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục, như một kênh để quốc tế hóa thị trường giáo dục ngoài hệ thống công lập và phục vụ các đối tượng là người nước ngoài đến làm việc và sống tại Việt nam.
Xin được điểm qua vài quan sát từ các trường được đầu tư bởi vốn nước ngoài, được triển khai từ mầm non lên tới phổ thông, hy vọng có hữu ích phần nào cho chương trình cải cách giáo dục phổ thông mà Việt nam đang dự kiến tiến hành.
Trường có vốn đầu tư nước ngoài không phải là trường quốc tế và trường quốc tế ở Việt nam thì chưa chắc là trường đã được kiểm định về trường và chất lượng dạy học
Những năm 1993-1995, Việt nam mới chỉ có hai trường có liên kết với nước ngoài ở cấp phổ thông để dạy chương trình nước ngoài. Đó là trường Hanoi International School (liên kết giữa Bộ Giáo duc – Đào tạo và hệ thống trường quốc tế Mỹ) và International School of Ho Chi Minh City.
Sau đó rồi, với việc mở cửa những năm 1996 cho đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt nam, hàng loạt các trường hoặc có vốn đầu tư nước ngoài hoặc do người Việt nam đầu tư, được mở ra, dạy đa dạng các loại chương trình khác nhau, nhưng đều mang danh “quốc tế” được.
Nếu nhìn đến thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay (2017), có thể nói không ngoa là Việt nam có đủ các loại hình đào tạo nước ngoài ở trong một thành phố 10 triệu dân, từ ở các nước trong khu vực châu Á như Nhật, Hàn, Singapore, Đài loan, Hongkong, Thái lan, Malaysia, cho đến các nước xa hơn và phát triển hơn về giáo dục, như trường quốc tế Pháp, Đức, Úc, Mỹ (riêng với Mỹ, có đến hơn 3 trường mang danh chương trình Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh, như trường quốc tế Bắc Mỹ, trường quốc tế Mỹ, trường quốc tế Nam Sài gòn) …
Vậy, định nghĩa thế nào là trường phổ thông quốc tế ở Việt nam? Hiện nay, sau hơn 20 năm mở cửa với đầu tư nước ngoài, Việt nam không có định nghĩa mang tính pháp lý về vấn đề này. Và có lẽ có nhiều lý do để định nghĩa này theo thị trường và cho tự dân chúng tìm hiểu.
Với người dân thông thường, trường nào trương biển hiệu là “trường quốc tế’ thì là trường quốc tế, mặc dù là trường dạy bằng tiếng Việt và chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cấp bằng Việt nam. Gần đây có một ví dụ thú vị về trường quốc tế kiểu này, đó là trường Dân lập Quốc tế Việt - Úc vừa được mua lại bởi một tập đoàn đầu tư nước ngoài [2]. Nó sẽ được chuyển từ vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt nam sang nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chương trình và bằng cấp, cho đến hiện nay, vẫn là Việt nam, và vẫn là một hình thức “quốc tế” kiểu Việt nam, mặc dù được hứa hẹn sẽ chuyển đổi sang chương trình quốc tế!
Với nhiều cán bộ quản lý giáo dục, họ hiểu nôm là “trường quốc tế là trường có dạy bằng tiếng Anh, theo một chương trình của nước ngoài (không phải của Việt nam) hoặc được đầu tư bởi người không mang quốc tịch Việt nam”. Để minh chứng cho việc này, hãy tra cứu trong đường link dưới đây, được xác nhận là các trường tiểu học và phổ thông quốc tế được quản lý bởi Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cấp phép, để hiểu được cách hiểu và cấp phép các trường quốc tế ở Việt nam, hay ít nhất, ở thành phố Hồ Chí Minh là như thế nào [3].
Còn với các trường tiểu học và phổ thông quốc tế trên thế giới, họ đang làm gì và họ công nhận những trường nào ở Việt nam là quốc tế?
Nếu chúng ta nhìn đến website của mấy tổ chức sau: CIS (Hội đồng trường quốc tế), IBO (Tổ chức chương trình quốc tế), WESC (Western Association of Schools and Colleges _ US) hay bất kỳ tổ chức kiểm định trường hay chương trình học quốc tế dành cho cấp phổ thông, không nhiều trường Việt nam được ghi nhận trong danh sách được kiểm định và là thành viên của các tổ chức và chương trình quốc tế.
Khi nhìn nhận thật kỹ các kiểm định về trường và chương trình dạy học, có lẽ chỉ có hai trường ở thành phố Hồ Chí Minh, SSIS (Saigon South International School, Trường Quốc tế Nam Sài gòn) và AIS (Australian International School, Trường quốc tế Úc) [1] là những trường có đủ kiểm định, cho cả trường quốc tế và cho cả chương trình (từ cấp mầm non đến hết cấp 3).
Vậy các trường khác có dạy tiếng Anh và chương trình nước ngoài là như thế nào ở Việt nam? Có lẽ dùng từ “lẩu thập cẩm” là rất phù hợp với tình hình các trường này. Không chỉ dừng ở dạy chương trình chưa rõ về chất lượng, có những trường có những cơ chế “sáng tạo” mà chỉ ở Việt nam mới tồn tại, mà cha mẹ Việt thì không hề biết, con mình đang học cái gì và được ai kiểm định hay chưa.
Xin đơn cử một ví dụ để mọi người cùng tìm hiểu, và cũng nói cho công bằng, những trường tương tự như trường được ví dụ nêu ra dưới đây là phổ biến ở Việt nam hiện nay.
Wellspring International School (tiếng Việt, Trường Phổ Thông Song ngữ Liên cấp Wellspring) [4]
Theo website của trường, trường có cung cấp chương trình quốc tế song song với chương trình song ngữ giữa Việt nam và quốc tế. Theo đó,
# Trường được công nhận là Trường quốc tế Cambridge (CIE) để cung cấp chương trình từ tiểu học đến IGCSE và A level (tương đương tốt nghiệp phổ thông và dùng chứng chỉ này để nộp vào đại học nước ngoài)
# Trường được cấp phép thực hiện Chương trình Trung học Phổ thông Mỹ, thuộc Đại học Sư phạm Missouri.

[Chương trình THPT Quốc tế Mỹ - Wellspring]
Theo bản giới thiệu công bố trên website, chương trình quốc tế Mỹ được học qua hai bậc:
Bậc 1: học và thi IGCSE theo hệ quả CIE (Cambridge - Anh)
Bậc 2: học và thi chương trình trung học phổ thông Mỹ của đại học sư phạm Missouri
Nếu là người làm về giáo dục và nghiên cứu về quá trình quốc tế hóa chương trình học, hay thậm chí, nếu chỉ là cha mẹ có hiểu biết và đọc hiểu bằng tiếng Anh các chương trình ở website chính thức của các tổ chức được nêu trên đây, có ai có thể giải thích mấy vấn đề sau:
- Nếu đã học chương trình của IGCSE của Cambridge (Anh), tại sao cần chuyển sang học 2 năm cuối cho chương trình phổ thông của Missouri (Mỹ)? Chắc ai cũng biết hệ thống giáo dục Anh và Mỹ là hoàn toàn khác nhau, đặc biệt về cấp phổ thông…về nội dung học, hệ thống kiểm tra, đánh giá và sử dụng bằng cấp công nhận… Nếu đọc trong hệ thống của CIE và ICGSE của Cambridge, nó có lẽ cần đi lên cùng với hệ thống đó là A level, sao lại cần chuyển sang Missouri? Và nếu đã học chương trình trung học Mỹ, thì tại sao lại phải cần 2 năm để thi IGCSE của Anh?
- Vì chương trình phổ thông được “phối kết hợp” Anh – Mỹ, ai có thể là cơ quan kiểm định trường và chương trình, đặc biệt cho những giáo viên dạy những phối kết hợp, ở những hệ thống đào tạo này.

Nếu có ai quan tâm và nghiên cứu sâu về quan hệ hợp tác giữa Wellspring và CIE và IGCSE của Cambridge, xin nêu rõ là trường Wellspring được công nhận là một trong 12 trường ở Hà nội trong danh sách Trường Cambridge, nhưng là trường đạt tiêu chuẩn dành cho “International Examination”, nghĩa là trường đạt chuẩn tổ chức thi cho chương trình IGCSE và A level [5], giống như bất kỳ các trung tâm nào khác, đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức thi, chứ không phải là xác nhận đạt tiêu chuẩn để dạy chương trình này.
Hầu hết người dân và học sinh Việt nam không phân biệt được trường hay tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn để tổ chức thi các chứng chỉ như IGCSE, A level cũng không hề khác gì các tổ chức cho thi TOEFL, IELTS, mà không phải là một chứng nhận cho chất lượng dạy học hay chương trình tổ chức học.
Tương tự với chương trình hợp tác cho trung học Missouri của đại học sư phạm Missouri [6]. Theo công bố của Wellspring [4], đây là chương trình học theo chương trình phổ thông của Mỹ, được công nhận của đại học Missouri và ngoài việc học ở trường, học sinh được học online trực tuyến với trường phổ thông Missouri ở Mỹ, có tài khoản học, có quyền tiếp cận với thư viện ở trường Missouri…[7]. Theo website của chương trình này ở Mỹ, đây là chương trình học online (có toàn phần hay học bán phần, hoặc có thể học theo từng khóa), để có bằng tốt nghiệp trung học, học sinh cần học tối thiểu 10 khóa với Missouri và có trả phí $500/khóa [8]. Muốn lấy bằng tốt nghiệp trung học và nộp đơn đại học, dành cho lớp 11 và lớp 12, sẽ cần 12 tín chỉ và tương đương đâu đó khoảng $6.000/bằng tốt nghiệp.
Vậy, hóa ra, Wellspring là trường quốc tế, do bởi họ dạy, và phối hợp với tổ chức nước ngoài, để tổ chức thi lấy các chứng chỉ tốt nghiệp trung học mà tổ chức nước ngoài cung cấp, chứ không phải do chất lượng dạy học đạt chuẩn quốc tế.
Chưa kể đến, việc học online cho trung học ở Mỹ đang là một vấn nạn, vì chất lượng kém đã được cảnh báo bởi NEPC - Trung Tâm Chính sách Giáo dục Quốc gia, công bố vào năm 2016 [9].
Quốc tế giáo dục ở Việt nam là vậy sao? Có bao nhiêu cha mẹ biết những thông tin này? Về các chương trình này?
Mô hình tổ chức học và thi lấy chứng chỉ nước ngoài cấp, dù ở trường hay qua online, khác gì với mô hình Hà nội đang thí điểm cho trường công của Việt nam thi lấy chứng chỉ A level vừa được công bố [10]?
Không có gì khác cả, chỉ là có ai đó, đứng đằng sau Ủy ban Nhân dân Hà nội, để buộc trường THCS công lập như Chu Văn An, nhân danh thí điểm đào tạo, sang học và thi A level! Và có lẽ họ sẽ không dừng ở lại đây.
Tôi xin phép buộc phải nêu ra tên của trường Wellspring như một ví dụ cụ thể trong bài viết này, với một cầu khẩn tha thiết rằng, xin làm ơn hãy cứ làm tốt mọi chương trình quốc tế trong hệ thống của các trường tư đi, và xin đừng can thiệp vào hệ thống trường công lập, khi không có gì đảm bảo rằng học sinh trường tư, dù là tên gọi quốc tế như Wellspring, đã học được gì xuất sắc, ngoài mỗi việc đi học đại học ở nước ngoài.
Trường tư có quyền thực hiện những gì mà họ muốn, và phải chịu trách nhiệm với cha mẹ và học sinh về chất lượng đào tạo họ cam kết cung cấp cho học sinh và phụ huynh, mà điều này, ở Việt nam, không có gì để kiểm định những kiểu chương trình “phối kết hợp Anh _ Mỹ” như thế này. Nhưng khi đã là một chương trình dành cho trường công lập, tiền của nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân, tiền và công sức của phụ huynh học sinh, những tầng lớp bình dân, nó buộc phải có tư duy khác với hệ thống tư thục. Tại sao buộc học sinh phải học và thi A level hay IGCSE, hay AP, hay bất kỳ bằng cấp tốt nghiệp cấp 3 nào của nước ngoài, khi 99, 85% học sinh Việt nam không hề có ý muốn hoặc khả năng đi học nước ngoài?
Câu chuyện về giáo dục phổ thông, quốc tế giáo dục phổ thông ở Việt nam, về học tại nhà, về học online, về thí điểm thi A level, tuyển học sinh có A level vào đại học, về ứng dụng công nghệ cao độ vào chương trình, về sách giáo khoa nhập khẩu, về những đề xuất hợp thức hóa với Bộ Giáo dục – Đào tạo những chương trình này…, đang lũng đoạn nền giáo dục Việt nam, mà bản chất chỉ xuất phát từ lợi ích của một vài nhà đầu tư tập đoàn giáo dục và công nghệ, thông qua Bộ GD-ĐT, hợp thức hóa thành chính sách áp dụng cho cả nước.
Thật đáng buồn cho những ai, chỉ biết chạy theo lợi ích của bản thân, mà quên đi là 99% học sinh Việt nam xuất thân từ gia đình trung bình, thậm chí trung bình nghèo.
Xin đừng biến 20 triệu học sinh Việt nam thành những con bò sữa để vắt cạn kiệt, mà không màng gì đến giá trị thật trong giáo dục. Khoản nợ cho tương lai của những thế hệ trẻ học online, học tại nhà, học chạy theo đi các chứng chỉ quốc tế như A level, IGCSE, hay TOELF, IELTS, khi người học không có nhu cầu hoặc có những cơ hội học mà không phải trả tiền nhiều như vậy, mà buộc phải học để có ai đó kiếm lời là một tội ác và thiếu đạo đức với người học.
Việc đổi mới các chương trình phổ thông, với các khoản vay lớn từ tổ chức quốc tế trong hơn 20 năm qua đã đủ đè nặng lên tương lai của những thế hệ tiếp theo rồi!
Hãy tư duy làm sao mang những gì có giá trị thực sự cho học sinh Việt nam, và với thực tiễn của Việt nam, với chi phí của Việt nam.
Làm ơn, Wellspring và các trường quốc tế “kiểu” Việt nam, các bạn đã kiếm ăn đủ từ các học sinh và chương trình của các bạn rồi, đừng làm hỏng nốt hệ thống trường công của Việt nam bằng những cách mở rộng chương trình chất lượng chưa có, kiểm định thì không, sang khắp nơi như vậy.
Thay mặt học sinh trường công của Việt nam, xin cảm ơn các bạn lắm lắm.
Tài liệu tham khảo:
[1] Danh sách website một số trường điển hình có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt nam
http://www.vnies.edu.vn/menu-article-1-156-1_cong-ty-lien-doanh-truong-quoc-te-ha-noi.html
https://www.ishcmc.com/who-we-are/accreditations-affiliations
http://www.fis.edu.vn/vi/
http://theabcis.com/2014/
https://www.ssis.edu.vn/
http://sis.edu.vn/
http://www.nordangliaeducation.com/our-schools/vietnam/ho-chi-minh-city/bis
http://www.ais.edu.vn/
http://lfiduras.com/
http://www.aisvietnam.com/about-us/authorisations-accreditations/
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/truong-dan-lap-quoc-te-viet-uc-co-nha-dau-tu-moi-3560379.html
[3] http://kenhtuyensinh.vn/danh-sach-truong-quoc-te-tai-tphcm
[4] http://wellspring.edu.vn/?lang=en
[5] http://www.cie.org.uk/i-want-to/find-a-cambridge-school/recognise-a-cambridge-school/
[6] http://wellspring.edu.vn/gioi-thieu/cac-chuong-trinh-duoc-chung-nhan/chuong-trinh-thpt-dai-hoc-missouri-muhigh-va-wellspring-hop-tac-trien-khai-chuong-trinh-thpt-song-bang-viet-nam-hoa-ki
[7] http://wellspring.edu.vn/gioi-thieu/cac-chuong-trinh-duoc-chung-nhan/chuong-trinh-thpt-dai-hoc-missouri-muhigh-va-wellspring-hop-tac-trien-khai-chuong-trinh-thpt-song-bang-viet-nam-hoa-ki
[8] http://mizzouk12online.missouri.edu/; http://mizzouk12online.missouri.edu/?page_id=100
[9] http://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2016
[10] http://www.baomoi.com/ha-noi-se-thi-diem-dao-tao-song-bang-tu-tai-thpt-viet-anh/c/21862408.epi
Đất Việt