Trực tuyến để minh bạch hơn…trong giáo dục? Ngày đăng 30/07/2017, 00:11

[Google search]
Hôm rồi, đọc được tin báo khuyến khích phụ huynh và học sinh đăng ký thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đầu cấp và thi đại học qua hệ thống trực tuyến, nhằm tiết kiệm thời gian và dễ dàng minh bạch thông tin hơn giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh.
Trong các dịch vụ thực hiện trực tuyến, như mọi lĩnh vực khác trong xã hội cộng đồng, luôn có hai hay nhiều mặt của một vấn đề, mà không phải, vì chúng ta đang là cơ quan cung cấp dịch vụ trực tuyến, nên luôn ca ngợi mặt “hồng” mà quên nói đến những mặt “xấu xí” của những hệ thống trực tuyến. Để có thể chia xẻ thêm thông tin về những điểm trái ngược nhau trong sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong giáo dục, xin được liệt kê một số vấn đề dễ nhận thấy nhất cho mọi người cùng tham khảo.
Những điểm hay của dịch vụ trực tuyến trong giáo dục
-
Nhanh, dễ ứng dụng và khi kết nối với internet là có thể thực hiện dịch vụ ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào và cho bất kỳ đối tượng nào có kết nối;
-
Việc sử dụng đăng ký thông tin của học sinh sinh viên qua trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và công sức vật lý, đi lại nộp hồ sơ và tránh tạo ra tắc đường hay vất vả cho người đi nộp;
-
Tổng kết thông tin của người nộp hồ sơ được dễ dàng hơn rất nhiều, cho các trường và cho các cơ quan quản lý;
-
Đăng ký thông tin trực tuyến thì sẽ làm tra cứu thông tin trực tuyến, quản lý tài khoản và các hoạt động giao dịch diễn ra giữa học sinh sinh viên và các trường, các cơ quan quản lý thuận tiện;
-
Xây dựng mô hình trực tuyến trong giáo dục và quản lý giáo dục là bước đầu để xây dựng xã hội thời “kỹ thuật số”, khi internet và máy tính có thể giúp học sinh sinh viên kết nối và làm việc với mọi người trên thế giới, và ngược lại;
-
Học sinh sinh viên có thể lên tới hàng chục triệu, và việc giao dịch, kết nối với các trường, các cơ quan quản lý giáo dục là một hành động đầu tiên khích lệ các em tự chủ trong các quyết định lựa chọn của mình, qua các giao dịch trực tiếp giữa bên cung ứng dịch vụ và khách hàng sử dụng dịch vụ trong tương lai. Qua giao dịch đầu tiên này, các học sinh sinh viên sẽ có trải nghiệm và đánh giá ban đầu về người cung ứng dịch vụ, mặc dù trong trường hợp này, số lượng người cung ứng dịch vụ khá ít và không có chọn lựa khác, vì đây là dịch vụ cần thiết liên kết với cơ quan nhà nước và trường học. Trải nghiệm ban đầu này khá quan trọng khi các em sẽ cân nhắc quyết định lựa chọn trường nào, dịch vụ nào là tốt, trung bình và tệ, để chia xẻ với xã hội, gia đình, bạn bè và sau này, có thể có suy nghĩ tiếp, liệu mình có cách nào khác để đối diện với những tình huống buộc phải dùng dịch vụ trực tuyến kiểu như thế này.
Những điểm “dở” của dịch vụ trực tuyến trong giáo dục
-
Hầu hết các học sinh sinh viên và gia đình, khi tham gia đăng ký dịch vụ đăng ký thi hay tham gia tuyển sinh đầu vào, đều không hề biết toàn bộ thông tin cá nhân của mình, từ ngày tháng năm sinh, giới tính, thông tin học tập ở các cấp, thông tin gia đình, tình trạng sức khỏe, điện thoại, email cá nhân…đều được lưu giữ và sử dụng bởi một bên thứ 3, mà hoàn toàn không hề có bất kỳ cam kết pháp lý nào về việc họ có quyền sử dụng thông tin cá nhân của mình vì bất kỳ mục đích nào. Học sinh sinh viên và đa số nhân dân Việt nam hoàn toàn chưa hề ý thức về việc sở hữu thông tin cá nhân của mình được nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ trên pháp lý, nhưng thực tế, khi cung cấp thông tin và dữ liệu cá nhân khi đăng ký đầu vào các cấp học hay tuyển sinh, chúng ta không có gì đảm bảo các trường và cơ quan nhà nước xử lý thông tin của chúng ta như thế nào. Đây là một rủi ro lớn theo suốt cuộc đời, vì chỉ đơn giản nói đến quảng cáo trực tuyến, với dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu học sinh sinh viên, ai đó đều có thể khai thác để kiếm tiền quảng cáo trực tuyến, mà chúng ta đều không biết tại sao email hay điện thoại cá nhân lại được tiết lộ. Hơn thế, thông tin về học tập các cấp, thông tin về sức khỏe, đều là dữ liệu tốt để tổ chức nào đó khai thác dữ liệu nghiên cứu và cung cấp, chào mời dịch vụ tương ứng. Đây là điểm dở nhất của mọi hoạt động dịch vụ trực tuyến ở Việt nam, khi chưa có bất kỳ văn bản chính thức thừa nhận các biện pháp bảo hộ và bảo vệ thích hợp với dữ liệu cá nhân, dù những dữ liệu này được cung cấp cho bên thứ 3 hay cơ quan nhà nước nhằm phục vụ cho những mục tiêu cụ thể.
-
Trong quá trình đăng ký thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp hay đăng ký vào học đâu đó, một trong những điều hay xảy ra, đặc biệt là trường hợp nộp các tài liệu và đơn xin học bổng ở trường đại học hay ở các tổ chức phi chính phủ, là trường hợp đơn và tài liệu đã nộp, nhưng họ không thừa nhận học sinh sinh viên đã nộp, và lý do dễ dàng nhất có thể đổ cho là “trục trặc kỹ thuật máy tính hay đường truyền”. Cá nhân tôi, từ 2013-2014, được chứng kiến và là nạn nhân của Đề án 911, khi nộp đơn trực tuyến xin học bổng chính phủ, thường xuyên được nhận tín hiệu trên website là chưa nộp được, chưa nộp đủ, bất chấp các cách thử. Điều này chỉ có thể giải quyết sau khi tôi liên hệ và viết thư trực tiếp cho Cục Trưởng Cục Đào tạo với Nước ngoài khi đó. Tự động thông thoáng, lại nộp đơn được vì đơn nộp trực tuyến, nhưng hóa ra là hệ thống thông minh, là biết trực tuyến cho từng đối tượng. Hoặc khi nộp đơn xin học bổng bên đại học Mỹ sau này, năm 2014-2015, trường nói trường không nhận được đơn tôi đã nộp qua mạng, và nghĩa vụ của học sinh là phải chứng minh đã nộp. Khốn thay, khi nộp đơn trực tuyến, theo format của trường, chỉ có mỗi dòng “Xin cảm ơn bạn đã nộp đơn xin học bổng. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn sau”, mà không hề có thư tự động xác nhận việc nộp đơn đã thành công. Thế là trong 3 tháng khiếu nại để xin học bổng tiếp tục việc học, tóc tôi bạc hơn nửa đầu…Đấy là 2 ví dụ điển hình của nộp đơn từ ở hệ thống trực tuyến. Còn với dịch vụ ngân hàng trực tuyến, bạn thực hiện dịch vụ và theo nguyên tắc, nó sẽ hỏi bạn muốn có biên nhận gửi về email để lưu trữ giao dịch. Nếu vì bất kỳ lý do gì, mà ngân hàng lại không gửi hay đơn giản, bạn không nhận được email xác nhận giao dịch, bạn sẽ còn gặp rắc rối to, để minh chứng bạn đã thực hiện giao dịch gì đó vào lúc nào đó…mà lại trực tuyến, có nghĩa là chỉ có bạn với máy của bạn thôi!
-
Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ hình dung việc có ai đó có thể “hack” (trộm) tài khoản email, điện thoại, facebook, hay các tài khoản mạng xã hội của mình, sử dụng để khai thác vì bất kỳ lý do gì, mà chúng ta không hề biết. Đơn giản nhất mà nhiều người bạn tôi đã gặp là có ai đó hack tài khoản, sau đó dùng tài khoản này gửi email đến cho tất cả các tài khoản có liên kết với tôi, để xin tiền, hoặc kể đang có khó khăn, cần hỗ trợ, và gần đây hơn, thì kết nối, tạo ra các mạng kết nối ảo (bạn tôi tưởng đấy là tôi, nhưng hoàn toàn không phải, giao dịch và thư từ đã được chuyển cho bên thứ 3, một bên lạ mặt và không hề liên quan gì đến tôi). Điều này để khai thác thông tin, quan hệ và để tạo mạng “kết nối ảo”, nhằm tăng số người trong hệ thống liên kết, và sau đó, có thể bán toàn bộ mạng kết nối cho các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Trên thực tế, những người nổi tiếng mà chúng ta hay gặp trên mạng xã hội, họ có nhiều fan theo dõi, họ không cần làm gì nhưng cũng có thể kiếm tiền từ những quảng cáo trực tuyến dành cho chính những fan của họ…Vậy nên, sẽ không ngạc nhiên khi thấy rất vô duyên và vô đạo đức khi có những người không hề có quan biết cứ nhảy vào email, linkedin, facebook cá nhân. Đó là những con chim “mồi” trong hệ thống mạng xã hội, dù dành cho dân chuyên nghiệp như linkedin hay từ mạng xã hội của facebook, và tất cả những mạng này đều có cùng nguồn xuất phát: địa chỉ email cá nhân. Quả không ngoa khi nhiều người bảo, giờ này, không thiếu bất kỳ điều gì trên các hệ thống kết nối toàn cầu, trừ đạo đức hành xử giữa con người với con người, giữa các tổ chức quảng cáo trên mạng trực tuyến và người tiêu dùng!
-
Khi đăng ký một tài khoản địa chỉ email cá nhân, và trong trường hợp này, học sinh sinh viên đăng ký với trường và cơ quan nhà nước để tham gia vào một dịch vụ cụ thể. Giả sử có khiếu nại hay trục trặc trong giao dịch trên mạng, cơ chế giải quyết sẽ như thế nào? Liệu có mọi phần đúng thuộc về trường và mọi phần sai thuộc về học sinh sinh viên? Hơn thế, trong quản trị hệ thống phần mềm hay chương trình nào, việc sửa điểm trên mạng trực tuyến dễ dàng và không để lại dấu vết, hay hơn nhiều so với việc chấm điểm hay quản lý học sinh sinh viên bằng giấy tờ. Từ kinh nghiệm đau thương của cá nhân tôi trong lần tham gia đánh giá khóa học ở trường, thực hiện trực tuyến, và sau đó rồi, môn đó tôi bị đánh trượt và về sau này, khi hỏi thăm ra, do tôi đã dám nhận xét giáo sư dạy môn đó “chưa được tích cực”. Khi tôi yêu cầu được làm rõ vấn đề này, khoa tôi không thể cung cấp được bản nhận xét/đánh giá mà tôi đã viết để đối chất. Vậy là, không chỉ là điểm thi, nhận xét hay bất kỳ điều gì xảy ra trên trực tuyến, người quản lý hệ thống có thể xóa, sửa, hay thay thế bất kỳ nội dung gì mà chúng ta đưa vào (input), và theo đó, “đầu ra” (output) không hề đảm bảo là phản ánh đúng đầu vào, vì đã được qua xử lý. Qua đấy, tôi lại học được một bài học lớn nhất đời, mọi thứ gọi là khoa học, và trong giới học thuật khoa học cũng chả có mấy giá trị, khi người ta đã cố tình không muốn làm nó một cách khách quan và độc lập. Theo đấy, nếu có nghe từ một nhà khoa học, hay từ một chính trị gia, cùng với việc có hay không có nghiên cứu đi kèm, mở to mắt và lắng tai thật kỹ để xem thử độ khả tín của những thông tin đến mức nào nha. Mọi báo cáo khoa học đều có thể làm ra được, chỉ là giá bao nhiêu thôi!
Hiện đại thì thích thật vì có quá nhiều tiện ích, nhưng cũng kéo theo kha khá “hại điện”, và cơ bản nhất, nó có thể đẩy bạn vào tình trạng “ngất tại chỗ” khi có những hệ quả không thể ngờ xảy ra, như “quạt trần rơi vào đầu”. Thêm nữa, một khi chúng ta đã có tài khoản cá nhân, dù từ địa chỉ email và dùng nó để kết nối với thế giới mạng (mặc dù chỉ để đăng ký học, đăng ký thi tốt nghiệp hay nộp đơn đại học), chúng ta bắt đầu được theo dõi, được quan tâm bởi tất cả các dịch vụ đang chờ sẵn trên mạng và thông tin của chúng ta đã được “bán” mà không biết!
Xin chào mừng bạn đến với thế giới phẳng, liên tục kết nối, liên tục quảng cáo!
Đất Việt