Thầy “vẽ” Ngày đăng 29/07/2017, 23:40

[Ảnh chụp bìa cuốn sách Người Thầy – NXB Văn Hóa Sài gòn]
Một khảo sát các sinh viên nước ngoài ở Mỹ về việc ai sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học của họ và không ngạc nhiên, khi hầu hết (trên 70%) người tham gia khảo sát đều nói đến người thầy của họ [1]. Tôi không rõ ở Việt nam đã có bất kỳ khảo sát nào về vai trò của giáo viên đối với chất lượng dạy và học trong các cấp học hay chưa, nhưng tôi tin, sẽ không thể khác quy luật của các nước, rằng giáo viên và chất lượng giảng dạy là yếu tố cơ bản quyết định đến việc học sinh có thích học và học tốt hay không.
Trong quá trình đổi mới giáo dục toàn diện được nhắc đến ở Việt nam từ những năm 1997 đến nay, hầu hết chúng ta đều nói đến chương trình, thời gian học, phương pháp dạy… nhưng có lẽ mới mấy năm gần đây, một số đề án về nâng cao chất lượng giáo viên được triển khai “quyết liệt”.Tôi cố gắng tra cứu trên mạng và trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo (“Bộ GD-ĐT”) về việc liệu có bất kỳ một báo cáo nào về đánh giá chất lượng giáo viên các cấp của Việt nam, nhưng tiếc là chưa có tài liệu nào được công bố công khai.
Tôi xin phép sử dụng một số thông số của Đề án Ngoại ngữ 2020 [2] để làm ví dụ cho một số luận điểm trình bày trong bài viết này.
1.Nhìn kết quả thi để đánh giá thầy dạy tiếng Anh kém?
Trên website Đề án 2020, tôi chưa tìm được báo cáo về năng lực của giáo viên dạy tiếng Anh phổ thông, theo đó, để dẫn chứng, xin sử dụng kết quả thi tiếng Anh phổ thông năm 2015 và 2016 làm ví dụ.
Theo đó, 70% học sinh có điểm dưới 4 trong năm 2015 [3] và 90% có điểm dưới 5 trong năm 2016 [3] môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Có nhiều quan điểm khác nhau về kết quả này.
Theo Thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Hiệu phó Trường DH Hà nội, có 3 lý do cơ bản cho tình trạng yếu kém ngoại ngữ trên “người thầy, học sinh và giáo trình”
Vậy, câu hỏi về người thầy, chất lượng dạy tiếng Anh đang ở đâu? Ai đang kiểm soát chất lượng của việc đào tạo thầy dạy tiếng Anh cho các cấp phổ thông?
Trên website Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT , rất dễ nhận thấy có nhiều tên tuổi trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cho giáo viên và học sinh, như British Council với chương trình Teaching English in Vietnam, English Teaching Methodology e-learning, thông tin kêu gọi hợp tác đào tạo giáo viên tiếng Anh của Úc, vân vân…

[Ảnh chụp từ website của Đề án 2020]
Trong năm 2014, do một lần được mời làm hợp tác phát triển chương trình e-learning cho giáo viên tiếng Anh từ một cựu sinh viên của Fulbright, tôi có được thông tin về đề án dạy thí điểm tiếng Anh cho giáo viên các trường đại học và trung học Việt nam, và sau đấy, có những nghiên cứu ở đâu đó về khả năng dạy tiếng Anh cho giáo viên Việt nam qua e-learning, nhưng tiếc là cũng không có công bố công khai kết quả giảng dạy.

[Ảnh chụp từ Facebook của Phú Vũ, người đứng tổ chức chương trình E-TESOL ,
thay mặt cựu sinh viên Fulbright, hợp tác cùng với Bộ GD-ĐT Việt nam thực hiện 2014-2015]
thay mặt cựu sinh viên Fulbright, hợp tác cùng với Bộ GD-ĐT Việt nam thực hiện 2014-2015]
Vậy, điều mà Thầy Hùng nêu ra là nguyên nhân đầu tiên cho chất lượng tiếng Anh kém ở Việt nam là do chất lượng của thầy giáo. Điều này có đúng không?
Tôi không nghĩ vậy, vì rõ là chúng ta đã tuyển dụng giáo viên có được đào tạo về tiếng Anh, chúng ta cũng có những nghiên cứu và hợp tác với nước ngoài (như những ví dụ trên đây) về đào tạo tiếng Anh, kể cả qua đào tạo trực tiếp, kể cả qua đào tạo trực tuyến, với các đối tác nước ngoài, mà tại sao tiếng Anh vẫn chưa thể cải thiện, ít nhất là qua điểm thi tốt nghiệp? Và có công bằng không khi hầu hết mọi người đều chỉ nói đến trách nhiệm của người thầy?
Theo quan sát của cá nhân, tôi nghĩ yếu kém về tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Việt nam đã kéo dài ít nhất 20 năm nay (theo GS. Chu Hảo, khủng hoảng giáo dục Việt nam đã được cảnh báo từ 1997).
Vậy tại sao trong hai năm gần đây lại được “đặc biệt” nhấn mạnh, đặc biệt lưu tâm? Đi cùng với nó là những đề án cải cách giáo dục phổ thông (77 triệu đô la Mỹ vay) [4], kèm theo dự án 100 triệu đô la Mỹ dành cho nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông [5], chưa kể đến đề án 2020 dành riêng cho ngoại ngữ với ngân sách là 9.400 tỷ đã được báo cáo là “thất bại, do bởi các mục tiêu đề ra quá cao, không phù hợp” [6] và khoản vay trong tương lai 1 tỷ đô la Mỹ từ ADB hàng năm cho phát triển Việt nam, bao gồm cả dự tính dành cho cải thiện chương trình cấp 3 và đào tạo nghề [7].
Vậy, có phải là do chất lượng giáo viên kém trong đào tạo tiếng Anh nên học sinh học kém, hay còn do nguyên nhân nào?
1.Tìm hiểu một vài sự thật đằng sau “hiện tượng” dạy và học tiếng Anh kém ở Việt nam
1.1 Chính sách giáo dục nói chung, và chính sách về đào tạo giáo viên tiếng Anh, đang được xây dựng không dựa trên nghiên cứu nhu cầu dạy và học từ giáo viên và học sinh
Trong hầu hết các đề án của giáo dục Việt nam, tôi chưa đọc được ở đâu có những nghiên cứu nền tảng, nghiên cứu để đưa ra làm cơ sở khoa học, để thuyết minh khoa học rằng chúng ta cần có thay đổi này, đạt được mục tiêu kia. Hoặc nếu có, chỉ là những dữ liệu “ảo” mà chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã được thực tế bác bỏ.
Trong Đề án 2020, chắc chắn có sử dụng một số dữ liệu để xin phê duyệt đề án và chắc chắn, cũng có những mục tiêu cần hướng tới, vì nếu không có, làm sao xác định được nó đã thất bại vì không khả thi? Điều cần quan tâm từ thất bại của đề án này là lý do tại sao khi viết đề án, chỉ từ 2008 đến 2016 (trong vòng 8 năm), các mục tiêu đã trở nên không khả thi, vì sao Bộ GD-ĐT đã “vẽ” ra mục tiêu quá cao so với thực tế. Tại sao lại vậy? Và tại sao cho đến 2016, khi thay đổi bộ trưởng mới, mọi người mới biết về một “thất bại đã được tiên đoán trước”, mà không có bất kỳ thay đổi, chỉnh sửa nào để phù hợp với thực tiễn triển khai đề án trong 8 năm qua? [8]
Khi đi vòng quanh đọc các ý kiến của chuyên gia giáo dục ở trong và ngoài nước, tôi hiểu được là “đề án giáo dục”, dù là tầm quốc gia, đã được xây dựng như một cơ hội để “vẽ”, vì bản chất, hầu hết những người tham gia đều không tin vào mục tiêu mà họ đã vẽ, nhưng vẫn vẽ và vẽ, vì có dự án, họ mới có ngân sách nhà nước, có đi vay được nước ngoài để chi tiêu. Còn việc đạt được đến đâu, hệ quả với học sinh và giáo dục nước nhà, chuyện đấy là chuyện dài nhiều tập.
Khi cơ sở khoa học, khảo cứu nhu cầu dạy và học tiếng Anh chưa được tiến hành cụ thể ở từng địa phương, đề xuất nào cho việc dạy nâng cao cho giáo viên (như đề án 100 triệu sắp tới đây) cũng chỉ là “ngớ ngẩn”, vì chả có gì để thuyết phục được là làm cách này hay cách kia sẽ cải thiện được việc dạy và học!
Khi chúng ta kêu ca về chất lượng học và thi tiếng Anh kém 2 năm vừa qua, với kỳ thi sắp tới, với cách thi “trắc nghiệm”, tiếng Anh sẽ có thể khá lên về điểm số, nhưng cũng không nói lên gì nhiều về chất lượng được cải thiện cả. Vì như ai đó đã nói chơi về cách “ho” trong phòng thi để báo đến 1 A, 2 B, 3 C, và vân vân…[9]. Cá nhân tôi đã có cơ hội biết về kinh nghiệm siêu đẳng của sinh viên Việt ở nước ngoài để vượt qua các kỳ thi trắc nghiệm mà chả cần học, và điều này cũng được kiểm chứng qua các quyết định hủy thi trắc nghiệm SAT ở Trung quốc, Hàn quốc, Hongkong, do bởi những quan ngại về lộ đề thi và không minh bạch trong kỳ thi ở các nước châu Á [10].
Vậy là, mọi thể chế và quy định chỉ đúng khi tất cả mọi người tham gia tuân thủ đúng luật, có đạo đức nghề nghiệp và đạo đức học tập được nuôi dưỡng từ nhỏ.
Còn không, hiện tượng cô giáo coi thi chép bài học sinh này đưa cho học sinh khác như ở kỳ thi học sinh giỏi Nghệ An, hiện tượng hiệu trưởng không biết tiếng Anh nên không rõ liên kết đào tạo tiếng Anh thì dạy cái gì ở Hà nội, hiện tượng giáo viên đi mua chứng chỉ tiếng Anh, học sinh học để “trả bài” chứng chỉ TOEIC, …chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện” [11].
Tất cả đang phản ánh một điều rất thật, chúng ta đang ‘đồng lòng” giả dối [12], từ làm chính sách cho đến chương trình dạy và học, để rồi, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho “dạy và học” giả đấy bằng những đề án cải cách và đổi mới “vẽ” hàng năm!
1.2 Ai đang làm “luật” với những quy định về chuẩn tiếng Anh ở Việt nam?
Khi đi khảo sát sinh viên ở các đại học tại Hà nội và Hồ Chí Minh, các em cho biết tiếng Anh là một rào cản, một “món nợ” để ra trường, vì cần có chứng chỉ TOEIC 450 theo quy định [12]. Khi hỏi thêm là tại sao các bạn cần có TOEIC, hầu hết đều không hiểu, chỉ biết là cứ có chứng chỉ thì được tốt nghiệp, còn không là nợ bằng đại học. Khi phỏng vấn sâu một học sinh, có em đã phát biểu “Đấy cũng chỉ là một chứng chỉ, nó không phản ánh đúng năng lực tiếng Anh, vì nhỏ bạn em, có chứng chỉ rồi, nhưng cũng có biết gì đâu!”.
Quay sang với yêu cầu tiếng Anh cho giáo viên theo “tiêu chuẩn châu Âu” [13], chỉ cần lướt qua các báo chí chính thống, đọc mà không khỏi ngao ngán cho nhân tình thế sự. Với những quy định thuần túy hành chính mà không có khảo sát thực tế, không phân loại đối tượng áp dụng, yêu cầu này đã đẩy nhanh, đẩy mạnh lợi nhuận cho các tổ chức học và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, mà không hề quan tâm nhiều đến việc chứng chỉ đó có tương ứng với chất lượng thật hay không!
Giáo viên dạy cấp 1 thì hỏi sao tôi cần tiếng Anh nếu tôi không dạy môn tiếng Anh, giáo viên các cấp khác thì đang hỏi, tôi đang dạy cấp 3 chuyển tôi sang dạy mầm non, tôi có cần phải học tiếng Anh đạt chuẩn châu Âu nữa không?
Như một mớ hỗn loạn về chuẩn, mà chả chuẩn tý nào. Đâu đó còn có kiến nghị tại sao tiếng Anh mà lại lấy tiêu chuẩn châu Âu, sao không lấy chuẩn TOEFL, IELTS…làm bà con nhà giáo sợ “hết hồn” vì nếu có phải đổi, họ lại “một vòng tròn tròn” để học, để thi, để đổi chứng chỉ, mà cuối cùng, chỉ là do ai đó muốn đổi tiêu chuẩn của “chuẩn”, không hề dựa trên quan điểm về đánh giá năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy với tư cách tiếng Anh là ngoại ngữ.
Cho đến tiêu chuẩn ngoại ngữ về học tiến sỹ, hiện nay, dự thảo đang tiệm cận đến quy định buộc người tham dự học phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ví dụ như TOEFL, TOEIC, và IELTS, với mức điểm tương ứng (ví dụ như TOEIC 500 hay IELTS 5.0), coi như gần bằng mức yêu cầu để sinh viên tốt nghiệp đại học [14].
Để minh chứng về việc chuẩn nào thì chuẩn, sinh viên Việt nam, dù tốt nghiệp rồi, cũng không có nhiều em đạt chuẩn tiếng Anh “căn bản” qua ví dụ thực tế, là Intel chỉ tuyển được 40/2000 sinh viên Việt nam vào làm việc, khi họ mở nhà máy ở đây năm 2008, và chỉ có 90/2000 học sinh trả lời được 60/100 câu hỏi căn bản về kỹ thuật trong lĩnh vực điện, điện tử [15].
Vậy, có ai có thể trả lời dùm, thế nào là chuẩn cho thầy giáo dạy tiếng Anh, cho học sinh và chính sách đào tạo tiếng Anh hiện nay? Đề án 2020 thất bại thì sẽ có gì mới? Có gì thay đổi, có gì cải cách và có bài học gì từ đề án thất bại? Hay chúng ta tiếp tục mua giáo trình mới, mua trang thiết bị, “mua” giáo viên nước ngoài và “mua” tất cả, trừ một việc cần làm nhất, đó là khảo sát năng lực dạy và học tiếng Anh trên toàn quốc để biết thực trạng chúng ta đang ở đâu?
Liệu có ai đang làm “luật” về tiếng Anh ở Việt nam, khi xoay như đèn cù từ các chuẩn cho giáo viên sang chuẩn cho học sinh các cấp, mỗi khi thay đổi đời bộ trưởng?
Liệu đến khi nào, những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn khảo sát dạy và học tiếng Anh ở Việt nam (có phản biện của tổ chức độc lập), những ý kiến của giáo viên dạy tiếng Anh và học sinh, phải là một nghĩa vụ bắt buộc đối với Bộ GD-ĐT khi khởi xướng ra bất kỳ đề án cải cách giáo dục nào?
Chỉ lấy 1 ví dụ nhỏ để kết lại bài viết này. Trong khi các nghiên cứu của Harvard [16] khuyến cáo bỏ sử dụng kết quả thi trắc nghiệm như kiểu SAT trong việc xét tuyển đại học, hai năm qua, hai đại học quốc gia của chúng ta lại “du nhập” về để thí điểm [16]. Trong khi Mỹ đang phải đánh giá và ngừng sử dụng các chương trình dạy online cho trẻ em các cấp, cho đại học ở cấp cử nhân do không có chứng minh về kết quả tích cực [17], các chương trình e-learning ở chúng ta như nấm sau mưa, bất chấp thực tế là chất lượng dạy và học chưa được kiểm định.
Giáo dục của chúng ta định “vẽ” đến bao giờ? Học sinh Việt nam định sẽ “ngọng” tiếng Anh đến khi nào? Có khi nào chúng ta tự xấu hổ về nghề “thầy vẽ” của mình?
Tài liệu tham khảo:
[1] Chris R. Glass, & ed. Uneven experiences: The impact of Student-faculty interactions on international students’ sense of belonging. 2015. http://files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1066288.pdf
[2] http://dean2020.edu.vn/vi/laws/
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/tren-90-hoc-sinh-thi-thpt-quoc-gia-bi-diem-duoi-trung-binh-mon-tieng-anh-3440828.html; http://www.tinmoi.vn/diem-thi-thpt-quoc-gia-mon-ngoai-ngu-kem-vi-dau-nen-noi-011368875.html; http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/vi-sao-diem-thi-tieng-anh-thap-3255747.html
[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vay-77-trieu-do-la-My-cho-doi-moi-giao-duc-Pho-thong-va-Quyen-duoc-thong-tin-post173983.gd
[5] http://www.baomoi.com/nang-cao-nang-luc-giao-vien-can-bo-quan-ly-co-so-giao-duc-pho-thong/c/19511489.epi
[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Giao-duc-thua-nhan-De-an-Ngoai-ngu-2020-that-bai-post172498.gd
[8] http://news.zing.vn/de-an-ngoai-ngu-quoc-gia-nguy-co-that-bai-duoc-bao-truoc-post711914.html
[9] http://vtv.vn/trong-nuoc/bo-truong-bo-gddt-khong-the-nhac-bai-trac-nghiem-bang-cach-ho-20161116120921275.htm
[10] https://www.theguardian.com/us-news/2016/jun/11/us-college-exam-cancelled-in-south-korea-and-hong-kong-after-leak
[11] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/giao-vien-chep-ho-bai-cho-thi-sinh-o-ky-thi-hoc-sinh-gioi-tinh-nghe-an-361403.html; http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Toi-khong-thao-tieng-Anh-nen-kho-noi-lien-ket-ngoai-ngu-day-cai-gi-the-nao-post174437.gd; http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/loan-nhu-thi-chung-chi-tieng-anh-chuan-chau-au-333097.html; http://www.baomoi.com/ngoai-ngu-noi-lo-cua-sinh-vien-khi-ra-truong/c/15956939.epi
[12] http://www.baomoi.com/ngoai-ngu-noi-lo-cua-sinh-vien-khi-ra-truong/c/15956939.epi
[13] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/loan-nhu-thi-chung-chi-tieng-anh-chuan-chau-au-333097.html
[14] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170125/chi-chap-nhan-chung-chi-ngoai-ngu-quoc-te-cho-dau-vao-tien-si/1257286.html
[15] http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20080409/chi-402000-sinh-vien-du-dieu-kien-lam-viec-cho-intel/251762.html
[16] http://college.usatoday.com/2016/01/21/harvard-report-make-admissions-process-more-meaningful/; http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-co-the-quan-ly-ky-thi-sat-cua-my-tai-dong-nam-a-3401549.html; http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20170307/dh-quoc-te-to-chuc-thi-thu-kiem-tra-nang-luc-dang-sat/1276142.html
[17] http://www.marketwatch.com/story/why-an-online-degree-may-not-be-a-good-investment-2017-02-27?utm_content=buffer33513&utm_medium=social&utm_source=twitter.com&utm_campaign=buffer; http://www.nber.org/papers/w23193; http://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2016; http://www.nber.org/papers/w23193
Đất Việt