Tại sao giáo dục lại khủng hoảng? Ngày đăng 15/08/2017, 21:44
[Youtube – Tôi kiện hệ thống giáo dục]
Hôm rồi, có bạn chia xẻ trên báo, rằng thời buổi này, “Chỉ ra " dối trá" không khó. Chỉ khó là tìm ở đâu có sự " Trung thực" kìa “…[1]
Có lẽ chia xẻ này đã nói “trúng” nguyên nhân của khủng hoảng giáo dục Việt nam và toàn cầu, chứ không phải tìm đâu xa, vì giáo dục và con người của xã hội là tấm gương phản chiếu rõ nét những luân lý đạo đức và pháp luật đang được thực thi như thế nào.
Có một vài câu chuyện rất nhỏ ở nước ngoài, xin được kể cho các bạn, để thấy bệnh “ung thư” giáo dục đã đến mức độ nào?
Người nổi tiếng về giáo dục, vì đạp lên giáo dục để sống
Trong một bài viết gần đây về đề án cải cách giáo dục phổ thông của Việt nam, có một trích dẫn về phương pháp làm sách giáo khoa của Việt nam, được chính tác giả của đề án mô tả lại, thực là chấn động cho những ai hoạt động nghiêm túc trong giáo dục Việt nam [2].
Khi đọc về cách làm sách giáo khoa cho Việt nam kiểu này, tôi chợt nhớ đến một con người nổi tiếng khác của báo chí Việt nam, hiện đã ra nước ngoài sống và đang là đại diện cho một chương trình công dân toàn cầu của nước ngoài, chuẩn bị du nhập về Việt nam.
Cách đây hơn 3 năm, tôi được mời làm tình nguyện viên cho một diễn đàn toàn cầu mà người Việt nam này là một trong những sáng lập viên. Sau khi tôi chia xẻ chân thành những gì cần phải làm cho một chương trình hợp tác giáo dục dành cho Việt nam và ngỏ ý muốn xin được học làm việc với một số giáo sư Mỹ mà người Việt nam này quen biết, người Việt nam đã im lặng “tê người”. Sau đó rồi, tôi nghe được là người này đã trình diễn ra được một chương trình công dân toàn cầu với bản chất kết nối năm châu các trường đại học và các học viên cho thế hệ tương lai của Việt nam [3]!
Có lẽ, có một điều mà những người Việt nam nổi tiếng quên, là việc lấy ý tưởng chỉ mới là một phần rất nhỏ trong cả một quá trình hoạt động để tạo ra sáng kiến toàn cầu! Giờ này, thách thức là làm sao giải quyết được những “ung thư di căn”, chứ không chỉ là kết nối và nhái ý tưởng của người khác.
Thế mới biết, có những người Việt mình, nổi tiếng vì giáo dục, nhưng hóa ra, là vì “đạp lên giáo dục”, đạp lên người khác, để lấy danh tiếng và tiền bạc. Vậy, trách gì giáo dục không khủng hoảng?
Cựu Fulbrighter đã mời cộng tác nghiên cứu về dạy tiếng Anh ở Việt nam như thế nào?
Năm 2012-2013, khi tôi đang nghiên cứu về thực trạng các dự án của Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt nam với nước ngoài, tôi tìm ra một chương trình hợp tác giữa một cựu sinh viên được nhận học bổng Fulbright (nay là giảng viên ở một đại học Mỹ) đang làm một chương trình thí điểm dạy ngoại ngữ online cho giáo viên Việt nam, dưới sự bảo trợ của Fulbright và Bộ GD-DT Việt nam.
Tiếng Anh là một trong nhiều thách thức cho giáo dục Việt nam, và nó đúng với nhu cầu nghiên cứu của cá nhân tôi về quốc tế hóa giáo dục, nên tôi rất mừng và tìm cách tìm hiểu thêm.
Sau khi trao đổi và chia xẻ một thời gian, bạn cựu Fulbrighter đã mời tôi làm sáng lập viên và tham gia vào cùng chương trình của các bạn, nghiên cứu và khảo sát năng lực dạy tiếng Anh cho giáo viên Việt nam online. Để quảng bá chương trình, bạn yêu cầu tôi cung cấp ảnh và lý lịch hoạt động cá nhân. Tôi đã cung cấp và được báo là những thông tin này đưa lên website chính thức của tổ chức Etesol (www.etesol.edu.vn) do bạn này đứng đầu [4].
Chỉ sau gần một tháng, tôi vô tình tra cứu lại trên website của tổ chức, thì thấy ảnh và lý lịch của tôi đã được thay bằng một bạn khác, đến từ Đại học Quốc Gia Hà nội, và lạ là, bạn này trùng tên họ với tên họ của tôi. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi lại thì được bạn cựu Fulbrighter báo là “Chị vẫn là sáng lập của bọn em, chỉ là không có chính thức post trên website”.
Khi kiểm tra lại, trong những người sáng lập và hợp tác về chương trình giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên, có những bạn nữa ở Nhật, ở Úc, chưa kể bạn cựu Fulbrighter ở Mỹ …Kể từ đó trở đi, 2013 đến nay, số học sinh Việt đến Mỹ, Nhật và Úc tăng lên chóng mặt…Còn tôi thì không rõ, họ đã làm gì với ảnh và lý lịch của tôi, để chỉ “xài chùa” trong một thời gian rồi kéo xuống, dùng hình ảnh của người khác!
Riêng về kết quả nghiên cứu của tổ chức Etesol về dạy tiếng Anh cho giáo viên Việt dưới sự tài trợ của Fulbright và Bộ GD-DT Việt nam, không thấy ai công bố về kết quả hợp tác nghiên cứu ở bất kỳ đâu, dù tôi đã hỏi chính thức tác giả của chương trình và Bộ GD-DT.
Với một dự án nhỏ về nghiên cứu giáo dục ở Việt nam, người Việt có bằng PhD của Mỹ đã làm được gì? Và bạn này đã dùng hình ảnh, lý lịch của tôi để làm gì?
Nếu có ai biết rõ, xin chia xẻ để tôi biết thêm, di căn về giáo dục nó đã chạy đến óc hay đến tim của những người mang danh giáo dục chưa nha!
Cá nhân tôi thấy khổ cho W. Fulbright! Mang tên một tổ chức có uy tín, một con người có tầm nhìn chiến lược về ngoại giao và trao đổi giáo dục của Mỹ, mà bạn giáo viên người Việt ở Mỹ này, không biết đã làm gì để giữ uy tín cá nhân của mình khi đi hợp tác và làm việc với những người Việt nam nhỏ bé khác như tôi, ở ngay tại Việt nam!
Điều gì đã làm cho họ không hề có được một báo cáo nào về kết quả nghiên cứu từ Việt nam? Và tại sao bạn này và Etesol phải “dùng” tôi theo cách như vậy?
Nguyên hiệu phó đại học Kiên Giang, nghiên cứu sinh về giáo dục Mỹ, dạy tôi nói dối ra sao?
Khi tôi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ làm nghiên cứu về quản trị giáo dục đại học vào thu năm 2014, tôi nhanh chóng được Hội Sinh Viên và Chuyên gia Việt nam ở Mỹ giới thiệu cho một bạn đã có hơn 4 năm kinh nghiệm ở Mỹ làm “mentor” (người hướng dẫn!). Vì bạn này cùng có lĩnh vực nghiên cứu giống tôi, việc kết nối mentor và mentee này được coi như một mô hình hướng dẫn kiểu người đi trước dắt người đi sau cùng học tập và nghiên cứu. Tôi cảm động lắm, vì đi ra nước ngoài, lạ đủ thứ mà có người hướng dẫn, lại là người Việt thì quá tuyệt vời!
Chỉ mới sau 2 tuần trao đổi được 2 lần qua skype, tôi được đề nghị là ghi tên tôi và tên bạn hướng dẫn vào danh sách Những Thành Công của Chương trình Thắp Sáng Khát Vọng Việt (bản chất là du học Mỹ), do Hội Sinh Viên nêu trên tổ chức và quảng bá ở Việt nam!
Tôi ngạc nhiên quá, và cũng ngây thơ hỏi lại là, “Sao tôi mới qua, tôi tự xin đi học, tôi tự tìm chương trình, đề tài…Vậy, thành công này là sao?” Hóa ra, đơn giản chỉ là đưa thông tin và làm chương trình PR ở Việt nam, cho những học sinh và phụ huynh Việt nam, nhìn thấy mặt tôi, mặt người hướng dẫn tôi, thế thôi! Còn có thành công hay không, có thực là do người hướng dẫn đã hướng dẫn hay không…không quan trọng!
Nếu tra cứu về lịch sử của người hướng dẫn, bạn này đã có chức danh tại Việt nam là Hiệu phó phụ trách học tập ở một đại học Kiên giang, đã có hơn 4 năm học và có bằng thạc sỹ của Mỹ, đã có một cuốn sách viết về giáo dục, đã và đang làm nghiên cứu về giáo dục ở một đại học ở Minnesota…
Một trong những điều mà đại học Mỹ và nghiên cứu sinh Mỹ bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt, là đạo đức học thuật, đạo đức của người làm giáo dục.
Tôi không chắc lắm, là do bản tính của người Việt hay do môi trường giáo dục của Mỹ, hay do nguyên cớ gì, đã tạo nên kịch bản Du học Thành công này cho tôi và người hướng dẫn tôi. Chỉ có một điều hơi buồn buồn, là bạn cựu Fulbrighter - giáo viên Mỹ ở chương trình dạy giáo viên online ở trên cũng nằm trong danh sách của Thắp Sáng Khát Vọng Việt…do báo chí Việt và Hiệp Hội Sinh viên Việt nam ở Mỹ đưa tin [5]
Vậy, nếu ai muốn bước chân ra nước ngoài đi học mà tìm hiểu dựa trên những hội sinh viên Việt nam ở nước ngoài, từ những cựu sinh viên, hay tin vào những người hướng dẫn và những du học thành công, hay những quan hệ cá nhân và cả từ những công ty tư vấn du học ở Việt nam, tôi chỉ khuyên “Hãy cẩn trọng”!
Tiền và thời gian học là của chúng ta, chúng ta phải trả giá rất đắt, còn những người thích “trục lợi” trên tiền và danh tiếng của người khác, nhiều như quân Nguyên, dù là ở nước ngoài hay Việt nam.
Những người sẽ “bán” bạn và tên tuổi của bạn, nhân danh giáo dục, như thế nào?
Theo Liên Hợp Quốc, UNESCO, Hiến pháp Mỹ và hầu hết luật pháp các nước, nhân quyền, quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân được bảo vệ tuyệt đối. Nước Mỹ giàu mạnh trong nhiều thập kỷ do bởi họ tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư cá nhân và bất kỳ ai xâm phạm cũng sẽ bị trừng phạt. Cứ nhìn đến Microsoft tốn không biết bao nhiêu công sức để bảo vệ tên tuổi và các sản phẩm phần mềm của họ, đủ biết tài sản, dù chỉ là cái tên, được bảo hộ như thế nào.
Tuy nhiên, là một công dân Việt nam, du học tại Mỹ, tôi không thấy tên tuổi, hình ảnh và lý lịch của tôi được bảo vệ, mặc dù, tôi đã ký thỏa thuận với trường đại học nơi tôi đến học về bảo mật thông tin cá nhân. Tại sao tôi lại nghi ngờ về sự bảo mật thông tin của một đại học Mỹ?
Khi tôi tham dự các chương trình trên lớp, không có giáo viên nào thông báo về việc lớp học đang được quay camera, dù với bất kỳ mục đích nào. Vào một sáng đẹp trời, khi tôi hỏi giáo sư của mình về việc có hay không lớp học bị quay camera mà không có chấp thuận của sinh viên, bà giáo sư trả lời tôi rất “ỡm ờ” về việc quay phim lớp học dùng trong nghiên cứu! Luật pháp không cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân với bất kỳ mục đích nào mà không được sự chấp thuận của người đó, nhưng nếu ai đó quay phim và ghi âm bạn, liệu bạn có thể biết không, để mà tự bảo vệ? Và dù cho mục đích nghiên cứu giáo dục, tôi chả thấy nó khác gì với việc dùng bệnh nhân để thử thuốc mà không hề báo cho bệnh nhân biết là bạn đang là đối tượng nghiên cứu của chúng tôi!
Đạo đức trong lớp học, trong nghiên cứu giáo dục ở đâu rồi?
Trong thời gian tôi vào phòng tập ở trường đại học, tôi rất lạ về lớp yoga của tôi. Cứ sau khi tôi có mặt được 10 phút, rất đông học sinh kéo vào, và điều này thực ra là trái nguyên tắc của yoga, vì mỗi phòng tập, chỉ có thể chứa được 10 người tập mà thôi! Sau này, đi ra ngoài mới biết, yoga được nhân rộng ra trở thành một trong những nội dung của giáo dục toàn cầu, là môn học để dạy cho cả thế giới! Chỉ duy có điều, khi một lần tôi bỏ về vì quá đông người và không còn không khí để tập, tôi nhận được cảnh báo từ giáo viên yoga là “Mày nên nhớ, có nhiều người muốn trở thành biểu tượng còn khó. Tao có thể tìm được rất nhiều người như mày!” Tôi ngạc nhiên quá, tôi chưa từng bao giờ muốn là giáo viên hay biểu tượng yoga hay bất kỳ cái gì cả. Tôi đến đây để học, và chỉ thế thôi!
Nhưng sau đó rồi, thông báo của trường dán lên tường nói rằng “Mọi hoạt động trong trường có thể được ghi hình và ghi âm để phục vụ hoạt động quảng cáo”, giúp tôi hiểu được, thế nào là nhân quyền, là tự do, là bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của học sinh…mặc dù thông báo này không hề in dưới logo của trường và có tên người nào ký chịu trách nhiệm về thông báo, do bởi tính trái luật của nó!
Ai đó ở Việt nam đưa ra tuyên ngôn rất vĩ đại, “Học là để làm người tự do!” [6]. Đọc xong tôi thấy nực cười, vì ai cho bạn tự do, khi, xin lỗi, đến cái tên của bạn, người khác cũng có thể lấy để xài mà bạn chả làm gì được?
Bạn là ai để tranh đấu với một hệ thống những con người dối trá, những hệ thống mong muốn làm những điều gì đó đằng sau lưng bạn, nhưng lại nhân danh giáo dục, nhân danh vì sự tiến bộ của toàn cầu?
Nếu không tin, cứ thử tra cứu trên facebook xem có bao nhiêu loại tài khoản Ngô Bảo Châu trên đó thì đủ biết [7]. Thêm một điều nữa, tài khoản Ngô Bảo Châu còn hoạt động tích cực trên những trang mạng của những du học sinh Việt ở tầm tiến sỹ, nghiên cứu sinh và mạng lưới các giáo sư gốc Việt nam!
Vậy, còn gì để nói về giáo dục nữa không, khi điều tệ hại nhất được bắt đầu từ những môi trường giáo dục và từ những con người cao quý nhất trong giáo dục?
Khi học sinh và giáo viên (giáo dục) là một tài nguyên…
Một thời gian dài khi tôi đi làm tư vấn dự án giáo dục cho nước ngoài, tôi luôn tự hỏi, “Tại sao giáo dục giai đoạn nghèo đói của Việt nam thì không tệ, mà giờ này, càng nhiều tiền cải cách, càng tệ. Vậy, điều này có lợi cho ai? Giáo dục Việt nam càng tệ, càng nát, càng lạc hậu thì ai sẽ hưởng lợi?”
Dân chúng, phụ huynh và học sinh thì chỉ biết kêu than, rằng sao mà cải cách lắm thế, rằng tốn tiền mà con em vẫn học chả ra gì. Ngược lại, cơ quan giáo dục thì chỉ rõ (và quyết liệt) tấn công vào giáo viên (kém, không đổi mới), vào phụ huynh (không dạy dỗ con, chỉ đổ cho trường thôi!), hay cho địa phương (nơi nắm tiền chi cho giáo dục, nơi tuyển giáo viên mà Bộ GD không can thiệp vào được!) Cứ thế mà diễn, hết năm này qua năm khác…
Chỉ có điều, dân chúng và giáo viên có lẽ không biết những điều sau đây:
-
Quá khứ của lịch sử dân tộc Việt chưa khi nào ngủ yên. Những khao khát về đổi mới, về phát triển đất nước qua kinh tế và giáo dục đã được “lạm dụng” để làm xói mòn đi những nền tảng tốt đẹp của xã hội và con người Việt nam, thông qua sự xuống cấp của giáo dục và đạo đức con người. Những lãnh đạo ngành giáo dục không hề có tầm nhìn vượt qua các dự án được tài trợ từ nước ngoài, không biết học hỏi những ưu thế mang tính quy luật của các hệ thống giáo dục nước ngoài, mà chỉ hướng đến một vài điểm cụ thể nào đó, mà có khả năng mang lợi ích cho trường của họ hay cho cá nhân họ. Nếu có ai muốn hiểu về điều này, xin tìm hiểu, tại sao chúng ta lại có 87 triệu tiền hỗ trợ (miễn phí) cho dự án VNEN (trường học mới) [8] và những hệ quả của VNEN với giáo dục Việt nam hiện tại!
-
Hơn 80 năm trước, lý do cho một cách mạng dân tộc là gì? Ngày nay, nếu chúng ta điểm lại về những thói hư tật xấu của xã hội Việt, chả khác gì mấy với thời mà Vũ Trọng Phụng mô tả! Vậy, ngoài việc có đủ ăn hơn, nhà cửa có Âu hóa hơn, chúng ta đã phải trả giá quá đắt, khi mọi thứ được gọi là rừng vàng biển bạc đã mất gần hết…với một thế hệ con trẻ không có điều kiện được học và sống trong một môi trường tử tế cần thiết. Gần đây hơn, giật mình với đề xuất của một chủ tịch tập đoàn khi nói đến khái niệm “tài nguyên vô tận của dân tộc này là con người…”, do bởi nếu đã được xác định là tài nguyên, hơn 90 triệu người của dân tộc này liệu có bị khai thác bừa bãi như trong thời gian 2 thập kỷ vừa qua không? (và gồm cả khả năng bị bán như các tài nguyên khác nữa không?)
-
Tại sao các cải cách giáo dục của Việt nam thực hiện từ những năm 1994 đến nay 2017, gần hết đều không đạt mục tiêu đặt ra, nhưng vẫn liên tục được đi vay vốn, được ngân sách cấp vốn để thực hiện? Vai trò giám sát của Ngân hàng Thế giới, của các tổ chức quốc tế, của quốc hội, của thanh tra nhà nước về giáo dục đang ở đâu? Một đề nghị lần đầu tiên được Ủy ban Văn Hóa – Giáo dục – Thanh Niên (Quốc Hội) nêu ra hôm qua, là “Đề nghị Bộ GD-DT báo cáo về kinh phí - Kinh phí thực hiện Đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa GDPT lần này, cũng như kinh phí thực hiện các đề án khác liên quan đến việc đổi mới GDPT" [9]. Không một đất nước nào, một hệ thống quản trị nào có thể vận hành mà thiếu sự kiểm tra, đối chiếu và giám sát nội bộ và kiểm toán bên ngoài…Riêng nền giáo dục của Việt nam, chúng ta đã cho phép thả nổi gần 30 năm! Đây chính là “giặc nội xâm”, lỗi gây đổ vỡ xã hội, có lẽ cũng không sai! Điều này đã làm được, do bởi có nhiều người “đẳng cấp” như giáo sư, tiến sỹ dởm làm lãnh đạo giáo dục, gồm cả những người mang danh nước ngoài mà “cõng rắn cắn gà Việt”, đưa ra các đề xuất cải cách giáo dục lạc hậu với chính thế giới mà họ đang cho con họ học và xa lạ với những giá trị gốc của giáo dục là phải vì con trẻ, vì chất lượng của giáo dục!
-
Trong một thời gian dài, tất cả các hoạt động của các cơ quan nhà nước, bao gồm cả bộ giáo dục và hệ thống các trường, các cấp giáo dục đều không công bố công khai các hoạt động, các dự án, đề án lớn trong giáo dục. Nếu có chăng, chỉ là dăm dòng tin không được cập nhật về các quyết định hành chính về dự án (ví dụ như Đề án Ngoại ngữ 2020 [10]), mà thiếu vắng tất cả các báo cáo, nghiên cứu hay khảo sát đã được thực hiện trong đề án. Vậy, làm sao nhân dân, nhà nghiên cứu độc lập, các cơ quan giám sát độc lập có thể biết được, chuyện gì đang xảy ra ở Bộ GD-ĐT và các chương trình cải cách hàng trăm nghìn tỷ? Nếu Bộ GD-DT cũng như Bộ KH-CN không thể vận hành có giáo dục, có khoa học, có sáng tạo, làm sao hy vọng các giáo viên hay các trường sư phạm đào tạo có sáng tạo, có tính khoa học được? Mà điều cơ bản là, tiền tiêu rất nhiều, nhưng học sinh và giáo dục Việt nam đạt được gì? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trả lời, có cơ sở khoa học, có tổng kết dữ liệu, có xác nhận của bên nghiên cứu độc lập?
Kết lại: như tiền nhân của đất nước có nói, “Non sông có trở nên vẻ vang hay không, chính là nhờ vào công học tập của các cháu”, nhưng các cháu đang được học trong điều kiện nào? Có lẽ các cháu đang phải học một chương trình và phương pháp rất cũ, và hơn thế, tiếp tục gánh trên đầu là khoản $1.500/ mỗi cháu, tiền nợ công mà không hề phục vụ cho lợi ích của các cháu!
Xin hãy xem xét kỹ càng lại các vấn nạn của giáo dục, đặc biệt về năng lực các lãnh đạo và các nhà tư vấn, các thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và nhân lực, những tổ chức tư vấn chiến lược về giáo dục mà Bộ GD-DT đang dùng cho các cải cách gần đây, nếu muốn dân tộc này còn có tương lai!
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cho-that-tha-vao-long-doi-tra-post175969.gd
[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-giao-Pham-Toan-Toi-thay-bong-dang-cua-Chuong-trinh-2000-dang-hien-hien-post177083.gd
[3] http://bostonglobalforum.org/2016/12/mr-nguyen-anh-tuan-introducing-global-citizen-scorecard/
[4] https://www.facebook.com/fulbright/posts/190028331077984
[5] https://sinhvienusa.org/2014/06/16/trien-khai-chuong-trinh-thap-sang-khat-vong-viet/
[6] http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Hoc-de-lam-nguoi-tu-do-10532
[7] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-bi-mao-danh-facebook-278716.html
[8] http://www.baomoi.com/diem-mat-nhung-cai-cach-chua-tron-ven-cua-bo-giao-duc-dao-tao/c/22464697.epi
[9] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/can-nhac-lui-thoi-diem-ap-dung-chuong-trinh-sach-giao-khoa-pho-thong-moi-377562.html
[10] https://dean2020.edu.vn/
Nguyễn Thị Lan Hương – NEWASIA GLOBAL LEARNING