Samsun Web Tasarim Polis malzemeleri Samsun ilaçlama Samsun çilingir farmasi üye ol Farmasi katalog Samsun atakum çilingir farmasi direktör Farmasi üye ol hacklink hacklink

Nước Mỹ dạy về Chiến Tranh Việt Nam như thế nào?
Ngày đăng 12/07/2017, 22:32

 

[Ảnh từ http://classia.net/who-designed-the-vietnam-wall/]

Tôi theo cha mẹ sang Mỹ học năm 14 tuổi, tuổi bước vào cấp 3 của Mỹ.  Bố mẹ tôi cũng sang Mỹ để học, và chúng tôi được chào đón ở Mỹ như những du học sinh Việt nam.

Ở tuổi 14, tôi đọc thông, viết thạo tiếng Anh và tiếng Việt.  Lịch sử Việt nam tôi được học ở cấp 1 và cấp 2, nên khi sang Mỹ học, chương trình tôi học có lịch sử Mỹ và lịch sử thế giới như những môn bắt buộc để tốt nghiệp cấp 3.  Trong bài viết này, tôi muốn chia xẻ một số suy nghĩ về cách nước Mỹ đã dạy tôi về chiến tranh Việt nam  và điều gì làm tôi thích đọc các tài liệu về lịch sử, không chỉ của Mỹ, Việt nam mà của cả thế giới.

Trước khi đến Mỹ, mặc dù còn nhỏ, tôi biết là trong quá khứ, Mỹ và Việt nam đã là những bên khác chiến tuyến và chúng ta có một thời gian chiến tranh đau thương.  Những hình ảnh, câu chuyện về những thương bệnh binh, những em bé dị tật mà chúng tôi đến thăm trong chuyến đi từ thiện hàng năm làm tôi hiểu được hệ quả chiến tranh vẫn còn hiên hữu rất rõ ở Việt nam.  Trong suốt những chuyến đi dọc theo đất nước, từ Sài gòn ra Hà nội bằng xe ô tô, gia đình tôi cũng đã đến thăm viếng nhiều địa danh trong chiến tranh Việt nam.  Có quá nhiều người đã chết, và cũng còn rất nhiều người tàn tật, ốm đau sau chiến tranh.

Khi sang Mỹ, tôi được nghe nhiều người, kể cả thầy cô Mỹ và các gia đình Việt nam di cư sau năm 1975 hỏi thăm, sau khi biết tôi là học sinh nước ngoài duy nhất từ Việt nam đến đây theo cha mẹ.  Một số thầy cô đã kêu lên, “Việt nam ư, em có biết Việt nam luôn trong trái tim nước Mỹ!”. Và cũng có nhiều người Việt nam đã hỏi chúng tôi, “Đã ở đất nước đó rồi, sang đây làm gì? Sang học Mỹ làm cái gì?”

Sau này, tôi được đọc nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn, tôi mới hiểu tại sao Việt nam lại ở trong trái tim nhiều người dân Mỹ đến vậy, đặc biệt là những thế hệ có con em hy sinh ở Việt nam và những thế hệ cựu chiến binh đã từng có một thời ở Việt nam hay khu vực châu Á.  Nếu xem lại các tư liệu vào năm 1965-1975, hàng đêm, hàng giờ, các bản tin thời sự trên tivi của nước Mỹ đều có tin về cuộc chiến Việt nam, về những gì đang xảy ra ở đất nước nhỏ bé của chúng ta.  Nước Mỹ đã biết đến Việt nam như vậy, và nhiều người dân Mỹ, nhiều sinh viên tiến bộ của Mỹ và sau này, nhiều cựu binh Mỹ đã nỗ lực chống lại việc tiếp tục đưa lính Mỹ sang Việt nam, phần nào thúc đẩy cuộc chiến tranh chấm dứt sớm hơn dự định.

Khi tôi học lịch sử hiện đại Mỹ, cuộc chiến Việt nam đã được viết rất rõ trong cuốn giáo trình Lịch Sử Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, theo tinh thần Mỹ và theo cách các nhà viết sách giáo khoa của Mỹ hiểu về nó.  Đó là cuộc chiến mà người Mỹ tin là để giúp đỡ cho chính quyền miền Nam Việt nam (Việt Nam Cộng Hòa), để ngăn cản chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc) được phát triển. Rất nhiều người lính Mỹ, khi đến Việt nam tham chiến, họ đi theo trách nhiệm và nghĩa vụ của một người lính, yêu nước và làm đúng bổn phận của mình.

Tôi được thầy lịch sử yêu cầu đọc thêm rất nhiều cuốn khác nữa, ngoài cuốn giáo trình lịch sử, ví dụ như cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm (tên sách tiếng Anh là Last night I dreamed of Peace – The Diary of Dang Thuy Tram, giới thiệu bởi Frances Fitzgerald), Fire in the Lake – The Vietnamese and The Americans in Vietnam (tạm dịch: Ngọn Lửa trên hồ - Những người Việt và người Mỹ ở Việt nam), của cùng tác giả Frances Fitzgerald, cuốn sách đã đoạt giải Pulitzer và giải Cuốn Sách Của Năm. 

Tôi đã đọc và tôi đã xem cả cuốn phim tư liệu giới thiệu về hồi ký Đặng Thùy Trâm được lưu giữ, được trao trả cho gia đình chị Trâm và dịch ra tiếng Anh, bởi người cựu binh Mỹ - Carl W. Greifzu, để mọi người Mỹ và các nước có thể hiểu thêm về chiến tranh Việt nam là như thế nào, dưới góc nhìn của một nữ bác sỹ trẻ Việt nam.
 
[Ảnh từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm – Wikipedia] [1]
 
[Ảnh cựu binh Mỹ Carl Greifzu trước mộ chị Đặng Thùy Trâm, trích trong bài hát Mùa Xuân Đầu tiên, do Hồng Nhung trình bày] [2]

Điều xúc động nhất trong phim tư liệu về hành trình Nhật ký Đặng Thùy Trâm chính là hình ảnh người cựu binh Mỹ, đã khóc trước mộ chị, đã nói lên được những chia xẻ chân tình “Không thể tin được, chị Trâm ơi, từ nay tôi là em của chị, anh chị em chị, gia đình chị là gia đình của tôi”.

Là một người Việt nam, tôi hiểu được phần nào nỗi đau  chiến tranh đã gây ra cho nhân dân tôi, nhưng tôi cũng vô cùng xúc động với tấm lòng của những người lính Mỹ, những người đến Việt nam không phải vì họ tự nguyện đến, mà họ cũng đến vì nghĩa vụ của một người lính. Đến nay, họ đã quay trở lại Việt nam, họ đã trao trả lại phần nào của lịch sử và những mảnh ghép về chiến tranh Việt nam, cho chính những cựu binh Mỹ, cho nhân dân Mỹ và cho nhân dân Việt nam.


Không chỉ trao trả lại nhật ký những con người như Roy Mike Boehm, Chuck Searcy và biết bao nhiêu cựu binh Mỹ khác, họ ngày đêm tìm kiếm bom mìn, ngày đêm kêu gọi đóng góp xây trường lớp và hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam…Họ đã từng là những người đến Việt nam với súng đạn, nhưng họ đã quay trở lại Việt nam như những người bạn chân thành.
 
[Ảnh cựu binh Mỹ Mike Boehm đến từ Tiếng Vĩ cầm ở Mỹ Lai] [3]
 
[Ông Chuck trò chuyện với thành viên đội Project RENEW sau khi phá dỡ thành công bom mìn chưa nổ UXO][4]

Đó chính là những suy nghĩ cuối cùng của tôi trong bài luận viết về chiến tranh Việt nam, về người Việt nam và người Mỹ trong cuộc chiến, “Quá khứ là lịch sử, và chúng ta, những người trẻ tuổi của hôm nay không tạo ra lịch sử của quá khứ.  Chúng ta sẽ không lựa chọn việc sống mãi với quá khứ, mà chúng ta mong muốn cùng hướng đến tương lai, đến hòa bình và hạnh phúc cho tất cả”.

Hãy đến với nhau như những người bạn, như những gia đình và như cách mẹ tôi đã chia xẻ trong cuộc họp phụ huynh ở trường khi họ lấy ý kiến phụ huynh về việc chúng ta nên dạy lịch sử chiến tranh Việt nam như thế nào, “Là một phụ huynh học sinh Việt nam, tôi tin vào giáo trình dạy lịch sử của Mỹ cũng như giáo dục Mỹ.  Đó là lý do chúng tôi sang đây. Nhưng với lịch sử chiến tranh Việt nam, chúng ta có rất nhiều cơ hội để giúp cho học sinh chúng ta được trải nghiệm và hiểu thêm về nó.  Đó là hãy để những nhân chứng của lịch sử, của chiến tranh Việt nam vào lớp học và chia xẻ quan điểm của họ với các em. Hãy giới thiệu những anh hùng của chúng ta, những cựu chiến binh Mỹ ở Việt nam, những người cựu chiến binh Việt nam Cộng hòa và những cựu chiến binh Việt nam, những người đã tham chiến ở những góc độ khác nhau. Hãy để họ lên tiếng, hãy để con trẻ được nghe, được nhìn, được cảm nhận, được đọc những tác phẩm về chiến tranh Việt nam ở nhiều khía cạnh khác nhau, để chúng hiểu được là mọi cuộc chiến đều là điều tồi tệ, cho tất cả”.

Có nhiều điều tôi thích và một số tôi có lẽ không thích ở đây, nhưng có một điều tôi chắc chắn thích ở Mỹ, đó là những hình ảnh những người cựu chiến binh Mỹ già đội mũ với dòng chữ “Vietnam Veterans” (Những cựu binh Mỹ ở Việt nam), mà phần nhiều trong số họ đã chào đón những người con Việt nam như chúng tôi, như là những người thân của gia đình họ, khi tới Mỹ học tập.

Chúng ta hãy là những người bạn,  những người thân trong gia đình và hãy sống vì những giá trị tốt đẹp của con người, đó là điều tôi học được từ chiến tranh Việt nam.
Hòa bình, chắc chắn tốt hơn chiến tranh.

Tài liệu tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt_k%C3%BD_%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m
[2] https://www.youtube.com/watch?v=2LRJR77Adyw
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuu-binh-my-dat-504-hoa-hong-tuong-niem-nan-nhan-tham-sat-my-lai-3370872.html
[4] https://static1.squarespace.com/static/560c81b4e4b0fdd5d69ef09e/t/5824e9f215d5dbdff53a3ca5/1478814209508/Chuck+with+a+Project+RENEW+team.JPG?format=750w

 
Jenna An
Bài viết bạn có thể quan tâm
Tin tức nổi bật
Học “bảo vệ” bản thân thế nào trong thời đại IoT?
Học “bảo vệ” bản thân thế nào trong thời đại IoT?
Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21
Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21
​NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM
NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM – GÓC NHÌN CỦA “NGƯỜI TRONG CUỘC”
Impacts of library and self-learning by VEF and FETP students to complete programs
Impacts of library and self-learning by VEF and FETP students to complete programs
Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt nam
Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt nam
Chia sẻ nổi bật