Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21 Ngày đăng 06/06/2020, 21:08
(Chủ đề Giáo dục và Công nghệ TK 21)
Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING (www.newasiagloballearning.com)
Trong buổi thảo luận khoa học tại Đại học Quốc Gia Hà nội với nhóm nghiên cứu về Giáo dục và Công nghệ Thế kỷ 21 do đại diện Sở Hữu Trí Tuệ tổ chức dành cho một số nghiên cứu sinh [1], điều ít ai đề cập đến là chúng ta nhìn đến tương lai của giáo dục thế kỷ này với phát triển khoa học công nghệ nào, và với tình trạng quốc gia và năng lực tri thức nào, nếu tất cả mọi sản xuất và kinh doanh làm ra chỉ để lo trả “nợ xấu” là “thành tựu” của hơn 3 thập kỷ Việt nam mở cửa và thực thi chính sách đúng đắn “Đổi Mới”, nhưng chỉ là nhầm có hệ thống về thế nào là mô hình kinh tế và quản trị xã hội phù hợp cho Việt nam [2]?
Để nhìn đến tương lai giáo dục đại học Việt nam và tình trạng “nợ” quốc gia [3], bao gồm “nợ” tập đoàn kinh tế (nhà nước hay tư nhân), “nợ” gia đình và “nợ” cá nhân, ảnh hưởng thế nào tới chất lượng giáo dục nhân lực cũng như tương lai của một đất nước, có lẽ nên đặt câu hỏi cho các nhà chính trị và quản lý chính sách của Việt nam, công nghệ nào sẽ giúp Việt nam trả nợ “xấu” để cải thiện giáo dục?
Một ví dụ cách đây hơn 3 năm, một đại học nhà nước về đào tạo kinh tế quyết định tăng học phí lên gấp nhiều lần mà không có thông báo trước cho sinh viên [4]. Câu hỏi đặt ra cho sinh viên lúc đó là nếu họ và gia đình không có tiền trả học phí tăng (đột biến) ngoài dự kiến, họ sẽ phải làm gì, nếu không phải là đi vay để tiếp tục học?
Cả Việt nam, từ trong trường đại học đến các kênh truyền thông (chính thống và phi chính thống) lên tiếng, đủ các bình luận, từ việc tăng tiền học khác gì tăng tiền điện và giá các loại dịch vụ mà nhà nước độc quyền khai thác [5], hoặc “giả vờ” tư nhân hóa hay hợp tác công tư hay có một từ đẹp hơn cho tất cả những loại hình biến tài sản công sang tư là “xã hội hóa” (ít nhất là trong lĩnh vực giáo dục [6]) cho các tập đoàn là sân sau của các chính trị gia.
Đại học Việt nam, với chính sách “tự chủ”, đã được thí điểm tại hơn 14 trường về tự chủ tài chính, đảm bảo tự thu tự chi bằng những gì hoạt động của trường, mà nguồn thu cơ bản nhất là thu từ học phí và các loại dịch vụ có thu từ sinh viên [7]; từ các chương trình khác nhau dành cho sinh viên có khả năng chi trả và/hoặc đi vay để học. Điều khá kỳ quặc, đó là sinh viên và gia đình họ, người phải chi trả hầu như tất cả các chi phí học tập, lại không hề hiểu đúng về trách nhiệm và nghĩa vụ của họ với trường cũng như ngược lại, trường có trách nhiệm và nghĩa vụ gì với sinh viên, chất lượng đào tạo và những cơ hội học/làm việc với những tri thức thu được do mình phải chi trả [8].
Việc tăng đột ngột và không báo trước học phí tại đại học công của Việt nam là môt ví dụ gần giống với hình thức “đổi tiền” được thực hiện nhiều lần trong suốt hơn 40 năm của nền kinh tế, nhất là khi nhà nước cạn kiệt nguồn thu và buộc đổ tất cả lên đầu người dân.
Đáng quan ngại cho sinh viên và giáo dục đại học Việt nam, không chỉ ở vấn đề tăng học phí, mà việc dẫu có tăng thế, tăng nữa, chất lượng đào tạo và cơ hội để tham gia học và làm việc có hiệu quả “thật” trong nền kinh tế “nợ” ngập đầu [9] do những tập đoàn kinh tế cũng lại “thí điểm” trong hơn 20 năm qua phá nát hầu hết nguồn lực đất nước; bao gồm cả những gì được gọi là tiết kiệm của quốc gia như dự trữ ngoại tệ và nhân lực chất lượng cao trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Việt nam.
Ngoài ra, với chất lượng đào tạo không đảm bảo, tính cạnh tranh của nhân lực Việt nam ở ngay thị trường lao động Việt nam cũng đang là câu hỏi lớn, dù ở ngay lĩnh vực công nghệ phần mềm, nơi mà ai đó tự huyễn hoặc về “một quốc gia mạnh về anh ninh công nghệ”, trong khi đào tạo tại hai đại học quốc gia về công nghệ thông tin cũng chỉ là vài trăm sinh viên mỗi năm, nếu chưa nói đến con số sinh viên tốt nghiệp được.
Với trường học và các giáo viên, họ không muốn tăng học phí cho sinh viên, nhưng buộc phải làm vì yêu cầu “tự chủ” [8]. Nhưng bản thân họ có tự chủ thật sự hay không, khi họ hoàn toàn hiểu rõ việc hầu hết các vấn đề về quản trị và nhân sự trong trường đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền nắm?
Điều hài hước là, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng chục năm nay đều có thể “lý giải” sự xuống cấp của chất lượng giáo dục, đặc biệt là đào tạo giáo viên (kể cả chương trình đào tạo hàng nghìn tiến sỹ với tiền ngân sách hàng chục nghìn tỷ), đó là họ chỉ “nắm” một phần nhỏ ngân sách dành cho giáo dục [10] và với giáo dục phổ thông, họ còn phụ thuộc vào chính quyền địa phương!
Hầu hết các chương trình giáo dục đại học có liên kết với nước ngoài, mà sử dụng vốn vay (ODA), trực tiếp do Quốc hội quản lý và Bộ Giáo dục thực hiện, mà được đại biểu quốc hội than “thiếu minh bạch và không hiệu quả” [11], thì thử hỏi những chi tiêu hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ dành cho giáo dục đại học và các cấp, liệu có là món nợ lớn cho chính ngân sách nhà nước, tiền túi của sinh viên và gia đình, và trong nhiều dự án giáo dục, làm lợi cho những cá nhân và thế lực nào đó “vẽ” được dự án [12]?
Sinh viên bị buộc phải học với chất lượng không đảm bảo, tiền học và phí dịch vụ tăng đột biến và không biết sẽ thế nào cho tương lai, trong khi nợ quốc gia do những dự án và chi tiêu sai, mà chỉ ngay trong giáo dục, hàng chục nghìn tỷ tiêu mà không hề có hiệu quả, vay từ vốn trong nước và nước ngoài, được “xài” thoải mái và không ai phải chịu trách nhiệm.
Vậy, công nghệ nào giúp Việt nam trả “nợ” xấu quốc gia, nợ cho tương lai với nền giáo dục không rõ chất lượng, khi vay và vay nữa và quản trị giáo dục, quản trị vốn trong giáo dục vẫn đi theo những cách thức rất “lạ”, nhưng phục vụ “lợi ích” cho ai đó mong kiếm chác từ sinh viên và gia đình, và khi “nợ xấu” ngân sách quốc gia đã và đang là rào cản lớn nhất cho mọi ý định đào tạo nhân lực?
Liệu, có phải chúng ta dùng từ “công nghệ” để marketing cho nền giáo dục chất lượng không đảm bảo cho chính tương lai nhân lực Việt nam, với việc tăng học phí mà không ai dám phản đối, chỉ bởi vì chúng ta là đất nước “nợ” và phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài?
Công nghệ nào sẽ giúp giải quyết vấn nạn trên? Hay tiền của của sinh viên, của gia đình mỗi người Việt sẽ không chỉ gánh $1.300 nợ quốc gia trên mỗi đầu người, mà vô số các loại nợ “tiềm ẩn nguy hiểm” [2] sẽ được tính đủ vào tương lai của từng cá nhân người Việt, mà có lẽ nếu tính đúng, thì GDP của Việt nam lẽ nào lại “âm”?
Tài liệu tham khảo:
(*) Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Dear My Harvard and Making Caring Common, http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/dear-my-harvard-and-making-caring-common-mcc.html;
[1] 6/3/2020, Thảo luận Khoa học về Giáo dục và Công nghệ tại Khoa Quản lý Khoa học, ĐHQG Hà nội, đại diện Hội Sở Hữu Trí Tuệ/Bộ Khoa học Công nghệ, và NEWASIA GLOBAL LEARNING;
[2] Đại học Fulbright Việt nam , “Bắt mạch nợ công Việt nam” (4/2017),
https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/1728282_MPP-PA2020-513-R12V-Bat-mach-no-cong-Vietnam--Nguyen-Xuan-Thanh,-Do-Thien-Anh-Tuan.pdf
[3] World Bank, Báo cáo Kinh tế Việt nam 2017, nợ quốc gia tính trên đầu người: $1.300
[4] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Sinh viên có quyền lên tiếng khi học phí tăng 30%, https://vnexpress.net/sinh-vien-co-quyen-len-tieng-khi-hoc-phi-tang-30-3441417.html
[5] Giá xăng, giá điện tăng, câu hỏi về FTA với 0% thuế?
[6] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/viet-nam-2035-giao-duc-va-nhan-luc-tri-thuc.html; Nghị Quyết Quốc hội bị “lạm dụng”? Hay Ai đang làm giáo dục ra nông nỗi này?, http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/nghi-quyet-quoc-hoi-bi-lam-dung-hay-ai-dang-lam-giao-duc-viet-nam-ra-nong-noi-nay.html
[7] Hội thảo Giáo dục Đại học, 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi Đồng- Quốc hội Việt nam, Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh;
[8] J. Stiglitz, https://en.wikipedia.org/wiki/Joseph_Stiglitz#Information_asymmetry (nền kinh tế trong thời đại thông tin bất đối xứng); Freefall (Rơi tự do) (2010); Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, Sự thật khác về minh bạch thông tin giáo dục đại học, https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/ba-cong-khai-su-that-khac-ve-minh-bach-thong-tin-giao-duc-dai-hoc-355025.html
[9] [2]; Nợ công tại các tập đoàn nhà nước; 12 đại án kinh tế; https://baomoi.com/tau-cat-linh-ha-dong-lay-gi-de-tra-no-650-ty-nam/c/28175147.epi; https://www.thesaigontimes.vn/297734/dung-quen-do-la-tien-di-vay-.html
[10] Hoàng Tụy, Xin cho tôi được nói thẳng, 2018
[11] Nguyễn Ngọc Trân, đại biểu Quốc hội, Giáo dục Việt nam, “Vốn vay ODA trong giáo dục cần được kiểm soát và sử dụng hiệu quả”;
[12] Nguyễn Thị Lan Hương, NEWASIA GLOBAL LEARNING, http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; “Bộ GDDT từ bỏ độc quyền SGK”, Thời báo Kinh tế Sài gòn. Tham chiếuhttp://www.thesaigontimes.vn/156055/Bo-GDDT-tu-bo-doc-quyen-sach-giao-khoa.html