Samsun Web Tasarim Polis malzemeleri Samsun ilaçlama Samsun çilingir farmasi üye ol Farmasi katalog Samsun atakum çilingir farmasi direktör Farmasi üye ol hacklink hacklink

​NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM
Ngày đăng 06/06/2020, 21:06

NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM –
GÓC NHÌN CỦA “NGƯỜI TRONG CUỘC”

Tóm tắt:

Là một luật sư tư vấn các dự án phát triển giáo dục quốc tế tại Việt nam 18 năm, là một người tham gia dạy học tại đại học và các chương trình liên kết giáo dục có yếu tố nước ngoài hơn 10 năm, là một người mẹ có con học chương trình quốc tế 100% tại Việt nam 16 năm, và là một sinh viên tham gia học các chương trình quốc tế tại Việt nam, Singapore, Nhật bản, Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua, tôi tự xác định tôi là “người trong cuộc” (truly insider) của nền giáo dục và quá trình quốc tế hóa giáo dục ở Việt nam.

Với định vị cá nhân như vậy, những thách thức cho giáo dục Việt nam, trong đó bao gồm cả cấp đại học và hoạt động quốc tế hóa thực sự nghiêm trọng, do bởi chúng ta đã chạy theo “chiếc áo”, mà quên mất “chiếc áo không làm nên thầy tu” trong một thời gian quá dài.

Tôi mong được chia xẻ từ những thực tiễn, từ những khảo sát sinh viên đại học và học sinh cấp 3 tôi đã thực hiện trong những năm 2008-2018 qua quá trình dạy học và phỏng vấn, để trình bày về một sự thật, rằng những khía cạnh mà chúng ta đang bàn tại Hội thảo này, từ góc độ Năng lực Hệ thống Giáo dục Đại học, Tài Chính Đại học hay Quản lý Đại học và Quản trị Đại học, đều sẽ không có nhiều hiệu quả tới quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, khi đối tượng của giáo dục và giáo dục đại học chưa đặt ra mục tiêu là “Đào tạo ra những con người tự do và công dân có trách nhiệm”.

I - Con người tự do – bản chất tự nhiên của mọi cá thể tồn tại trong thế giới vũ trụ

Trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, trong tuyên bố độc lập của nhà nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa, tự do là mục tiêu của mọi công dân Việt nam.  Không đâu rõ hơn trên mọi văn bản chính thức ở Việt nam, khẩu hiệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” luôn được ghi trang trọng, nhằm nhắc nhở tất cả chúng ta, đặc biệt cho thế hệ trẻ Việt nam hiểu rằng, là một con người, bạn có quyền độc lập – tự do để mưu cầu hạnh phúc.

Nói đến tự do, không có khái niệm tự do vô hạn mà không tôn trọng pháp luật và quyền lợi hợp pháp của người khác.  Trong những tranh luận ở phương Tây, đã có câu truyền miệng rằng, “Là một con người được sinh ra trong thế giới này, bạn không thể tránh được cái chết và đóng thuế”, để nói rằng, bạn là con người tự do, nhưng bạn có trách nhiệm và nghĩa vụ với tự do đó.

Với cá nhân tôi, từ nhỏ, gia đình tôi đã dạy cho tôi hiểu được, tôi là người tự do, nhưng:
(i)                Tôi không lựa chọn được cha mẹ mình;
(ii)             Tôi không lựa chọn được nơi tôi sinh ra và thể chế chính trị, hệ thống pháp luật mà tôi thụ hưởng khi tôi sinh ra;
(iii)           Tôi không lựa chọn được lúc nào và nơi nào tôi chết;
(iv)           Tôi không lựa chọn được người tôi yêu thích và phù hợp trong mọi công việc mà tôi cần phải làm;
 
để nói đến những giới hạn mà một con người có thể đối mặt trong cuộc đời mình, dù chúng ta là người tự do.
 
Rất nhiều người nói rằng, vì không được lựa chọn nơi sinh, không được lựa chọn thể chế chính trị và pháp luật nơi mình sinh ra và mình sống, nên không thể có tự do trong tư tưởng và cách thể hiện quan điểm, bởi mỗi cá nhân, khi sinh ra, đã được “yêu cầu tuân thủ” những quy định của hệ thống chính trị và pháp luật dành cho con người được gọi là công dân đó rồi.
 
Tuy nhiên, với giáo dục, với cách thức mong muốn phát triển nhân cách con người và cũng là công dân của mình, các thể chế chính trị tiến bộ trên thế giới hiểu rằng, KHÔNG THỂ CẤM NGƯỜI TA TƯ DUY, SUY NGHĨ hay PHÁT BIỂU về những gì xảy ra xung quanh cuộc đời họ được. 
 
Lấy ví dụ, chúng ta đói, chúng ta thiếu giáo dục có chất lượng, nó phản ảnh ngay trong từng hành xử của mỗi cá nhân, hành xử từ con trẻ, người dân đến những người được gọi là tri thức hay lãnh đạo hệ thống chính trị của xã hội.
 
Theo đó, khái niệm con người tự do mà tôi đề cập trong bài viết này chính là mong muốn nói đến con người có giáo dục là con người được tự do tư duy, suy nghĩ và trình bày quan điểm của mình, và nếu các mục tiêu của giáo dục và  quốc tế hóa giáo dục không đạt được mục tiêu này trong những ưu tiêu cao nhất về giáo dục con người, chúng ta không thực hiện đủ và đúng trách nhiệm chức năng của giáo dục, không chỉ là kiến thức, cho một con người, mà là một cuộc đời của một công dân của một đất nước mong mỏi Độc Lập – Tự Do – Hạnh phúc.

II - Đào tạo ra con người tự do và công dân có trách nhiệm là một chức năng cơ bản của giáo dục

Có hai câu chuyện nhỏ về học sinh sinh viên Việt nam ở Việt nam và ở Mỹ, tôi muốn chia xẻ.

Chuyện 1:

Khảo sát ở thư viện Khoa Học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh (“Thư viện”) vào tháng 4/2018

Với dự kiến tổ chức chương trình hoạt động hè cho sinh viên và bạn đọc ở Thư viện, tôi có làm khảo sát với 50 bạn đọc và trong đó có một câu hỏi:

“Hãy mô tả tính cách cá nhân của bạn bằng 3 tính từ”

Trong 50 phiếu phát ra và nhận lại, chỉ dưới 6 phiếu có viết được vài từ mô tả cá nhân.  Khi đi trao đổi trực tiếp với các bạn học sinh sinh viên, tôi nhận ra là, họ không hiểu rõ “tính cách cá nhân” là gì, và làm sao họ có thể tự mô tả về bản thân…

Hệ thống giáo dục, không dám nói là tất cả, nhưng hình như đã bỏ qua việc giáo dục từng cá nhân ý thức về bản thân mình trong một tổng thể xã hội Việt nam (đặc biệt là quyền cá nhân, quyền công dân), mặc dù trong chương trình, chúng ta vẫn có môn Giáo dục Công dân.

Khi không thể biết mình là ai, có quyền và trách nhiệm gì, tôi không rõ, họ học tiếng Anh và đi ra “toàn cầu” bằng những chương trình giáo dục mang danh quốc tế thì có ích gì cho đất nước, cho nhân dân?

Chính từ khảo sát nhỏ này, để chia xẻ lại một nguyên lý, mà nó là triết lý của phát triển được ghi nhận từ khoa học, “Không có gì tự dưng sinh ra, và không có gì tự dưng biến mất, mà nó chỉ chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác”.   Nếu triết lý này vẫn đúng cho mọi vận động của xã hội, chúng ta có thể lý giải dễ dàng, tại sao cải cách giáo dục 20 năm, nhập hết chương trình này hay chương trình khác của nước ngoài vào hệ thống giáo dục Việt, học sinh sinh viên Việt nam vẫn “đội sổ” về tiếng Anh [1], bởi đơn giản là, họ không hiểu họ học để làm gì, và động cơ cá nhân nào để họ phải nỗ lực, phải sống để học, để làm chủ tiếng Anh và bước vào cuộc sống lao động cạnh tranh, không chỉ ở ao làng, mà ở tầm toàn cầu, dẫu cho từ một công việc tưởng như đơn giản nhất, như làm công nhân kỹ thuật, nông dân công nghệ hay hướng dẫn du lịch.

Chuyện 2:

Câu lạc bộ Sinh Viên Châu Á và sinh viên Việt nam ở Đại học A&M – Corpus Christi (Mỹ)

Tôi sang Mỹ học chương trình tiến sỹ quản trị giáo dục đại học từ tháng 6/2014 tại A&M – CC.  Ở đấy, chúng ta có gần 200 sinh viên Việt nam và Hội Sinh Viên Việt nam (Hội SVVN), được thành lập từ 2008 và có hội đồng sinh viên đăng ký hoạt động với trường một cách chính thức.

Với tâm thức, là người Việt và lại đi học, tôi tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội SVVN.  Điều tôi nhận ra được từ những gì là thực trạng quan hệ và hoạt động của các sinh viên Việt nam ở Mỹ (tức là đang sống xa gia đình, xa quê hương) thực đáng để suy ngẫm về tính dân tộc, năng lực tự học và giúp nhau học, phát triển quan hệ với sinh viên và giáo sư Mỹ, phát triển quan hệ cộng đồng với các sinh viên nước khác và người dân địa phương.

Thứ 1, Hội SVVN ở A&M CC hoạt động rất hình thức, chỉ tập trung “giúp” tìm nhà, mục này do bởi được “hoa hồng” từ chủ cho thuê nhà cắt tiền lại cho mấy bạn đại diện ở Hội.

Thứ 2, Mạnh ai người đó sống, học và làm việc. Tính địa phương, tính nhóm, tính ăn chia trong từng nhóm sinh viên Việt khá mạnh.  Cứ hình dung ở Việt nam, trong làng có 3 -4 họ và không ăn cùng nhau, không giúp nhau được gì nó thế nào, thì bê nguyên văn “tính dân tộc” đó sang Mỹ.  Hài hước nhất là việc giới thiệu việc làm cho sinh viên Việt nam ở Mỹ, bởi nó ‘thậm thụt”, “bí mật” và chỉ những ai ở trong “vòng tròn quan hệ” và được thầy cô Mỹ hay nhà hàng, tổ chức nào đó “làm bệ đỡ” thì có cơ hội, còn lại là cứ nhìn nhau, mặc nhau làm gì thì làm.

Rất chua xót, khi nhìn thấy những thế hệ tương lai của Việt nam, tuổi từ 18-22, sống và hành xử kém cỏi, dẫu cho mang danh sang học ở Mỹ.  Từ tâm thế và hành xử như vậy, dẫn đến những chuyện rất tệ trong quan hệ giữa sinh viên Việt nam với nhau, ví dụ, như vì tham tiền, vì để có việc làm, sẵn sàng làm những việc không nên cho chính những người Việt ở Việt nam hoặc ở địa phương. 

Cá nhân tôi chứng kiến việc sinh viên đại học Việt nam và những sinh viên sang học sau đại học đã rất tích cực chào mời, giới thiệu về chương trình học tiếng Anh iESL ở trường, với mức tiền hoa hồng từ $100-300/1 học sinh mới…trong khi chương trình này hoàn toàn có thể học được ở Việt nam với giá rẻ hơn, tốt hơn rất nhiều.  Hoặc như câu chuyện tuyển sinh sinh viên mới cho trường, đặc biệt cho khoa quản trị kinh doanh, để có việc làm “graduate assistantship” (tạm dịch sang tiếng Việt – trợ lý sau đại học), các bạn này ra sức mời chào các chương trình cho phía Việt nam, mặc dù xin nói thật, chả biết các bạn ấy học và làm được gì từ những chương trình đấy. 

Đương nhiên, kiếm tiền trong khi đang đi học, ai cũng muốn, và bản thân tôi cũng muốn, nhưng một điều rất quan trọng trong kiếm tiền, đó là đạo đức kinh doanh, chúng ta “chỉ bán” những gì chúng ta biết rõ, chúng ta hiểu rõ giá trị cho người dùng…Tôi không nhìn thấy được lòng tự trọng và giá trị đạo đức, nhân cách của những sinh viên Việt đó, khi họ  chạy theo tiền hoa hồng kiếm được, mà sẵn sàng làm mọi thứ, bất kể hệ quả xảy ra cho những người được coi là “bạn bè”, ‘đồng bào”, người cùng một dân tộc, khi lớ ngớ sang học và tiêu một đống tiền không hề hiệu quả.

Khi nhìn đến thế hệ từ 18-22 tuổi trên đất Mỹ đó, tôi càng đau đớn nhận ra, những thói quen “kiếm tiền bằng mọi giá” đó đâu chỉ ở thế hệ đó…Những vấn nạn của tham nhũng, của tàn phá kinh tế và nền tảng đạo đức, giáo dục của đất nước này, nó đã xảy ra cũng hơn 20 năm qua và trở thành “bệnh kinh niên”, từ trên lãnh đạo cao cấp nhất đến người cùng dân! Và tất cả xuất phát từ thói “dối trá”, “thích hơn người mà không phải làm gì”, theo một “chủ nghĩa” mà giờ này, đến chính các nước như Đức, Nga, cha đẻ của mấy lý luận chủ nghĩa đó, họ cũng không hề nhắc tên, nhưng chúng ta thì tự mãn mang về và vận dụng!

Dù là chủ nghĩa nào, nếu không thể giáo dục thế hệ trẻ Việt nam về đạo đức làm người, về một lịch sử dân tộc Việt đáng tự hào, với những nền tảng tôn trọng CON NGƯỜI, chúng ta quốc tế giáo dục với ai?

Thứ 3, Không có tâm thế và tư thế để tham gia các chương trình hoạt động cộng đồng quốc tế ở trường đại học Mỹ

Do nghiên cứu đề tài chuyên sâu của tôi là “Quốc tế hóa giáo dục dành cho sinh viên châu Á ở đại học Mỹ”, tôi đăng ký tổ chức Câu lạc bộ Sinh viên Châu Á và kêu gọi toàn bộ sinh viên châu Á, gốc Á tham gia vào một chương trình có tên I-Lunch, trưa thứ 5 hàng tuần.  Chương trình có mời một số giáo sư giao lưu, và cũng là nơi chia xẻ phương pháp học tập giữa sinh viên châu Á và giúp nhau hiểu hơn về văn hóa – đất nước của nhau.  A&M CC có khoảng 700 sinh viên châu Á trên tổng số 11.000 sinh viên, một tỷ lệ khá đẹp cho một trường ở hạng Tier 3/4 ở Mỹ và ở một vùng kém phát triển ở Nam Texas.

Các buổi tổ chức chương trình, các bạn Ấn độ, Trung quốc, Thái lan, Indo…đến rất đông, nhất là các bạn Ấn, vì có giao lưu và được ăn miễn phí.  Duy chỉ có sinh viên Việt nam, và mặc dù tôi là người trong Hội SVVN, chỉ có dăm bạn lác đác đến tham dự chút chút rồi về từ rất sớm.  Nhưng tôi để ý, chương trình tương tự, nhưng do iESL và mấy bạn sau đại học tổ chức mà có chào mức phí hoa hồng để tuyển sinh học sinh mới, sinh viên Việt đi rất đông!

Chương trình diễn ra được 2 tháng, và sau đó tạm dừng, chuyển sang chương trình Tea-English, một tổ chức sinh viên khác thực hiện.

Điều tôi học được ở chương trình này là, sinh viên Việt nam, mặc dù biết là có chương trình giao lưu, biết có ích cho mình về tiếng Anh và kết bạn với các sinh viên Mỹ, sinh viên châu Á khác…nhưng họ không tham gia, vì có khi chỉ đơn giản, là bận, hoặc là do mình không có bạn đi cùng, hoặc do tiếng Anh kém, nên ngại, vân vân và vân vân…

Đương nhiên, sau hơn 3 năm học ở A&M, tôi còn hiểu được một lý do khác, tôi “được lựa chọn” để làm hình ảnh cho chương trình marketing ở những thị trường lớn như Ấn và Trung quốc, nên thực ra, không có sinh viên Việt nam có khi cũng là chủ ý của trường đại học!

Những sinh viên được coi là ưu tú và có tiền sang nước ngoài học…đã và đang ở những tình huống trên đây, vẫn quanh quẩn với những bạn người Việt, nói tiếng Việt, và hành xử “ao làng” kiểu Việt! Tại sao?

Nó xuất phát từ nền tảng xã hội, từ nền giáo dục từ nhỏ, từ mầm non đến cấp 3 và đấy là lý do, giờ này, “tị nạn” giáo dục là đương nhiên, và mỉa mai thay, chính quan chức Việt nam mạnh miệng đứng ra tuyên bố, việc đưa con ra nước ngoài học và sau đó không ai trở về [2], thì có gì lạ mà phải ca than việc mỗi năm, mất “3-4 tỷ” đô la Mỹ cho du học!

Tôi có thể nói rõ quan điểm cá nhân, nếu giáo dục không thể dạy cho thế hệ trẻ về ý thức họ là con người tự do, và họ là người Việt nam, họ có học gì, bằng cấp nào, cũng chả có ý nghĩa gì với đất nước này.  Và để xây dựng được nền giáo dục cho con người tự do đó, hãy nhìn lại hệ thống chính trị và những lý luận đang làm “chết” sự tự do trong mỗi cá nhân con người Việt, dù họ ở Việt nam hay đang ở nước ngoài, không có gì khác cả!

Có thể ai đó đặt ra câu hỏi

“Tại sao từ con người tự do mới có công dân có trách nhiệm, có đóng góp tích cực vào cộng đồng và thế giới”

Hãy cho tôi lấy một ví dụ nhỏ để lý giải về sự cần thiết có câu hỏi trên.

Khi tôi sang học ở A&M – CC, tôi được hướng dẫn về những nguyên tắc để làm một sinh viên thành công (Student Success).  Khi lập câu lạc bộ Sinh Viên Châu Á và đi khảo sát hơn 500 sinh viên châu Á trong campus, tôi nhận ra được, những nguyên tắc mà tôi được học chỉ là lý thuyết, và có lẽ ứng dụng cho sinh viên Mỹ, bởi các nghiên cứu để đưa ra các nguyên tắc đó là dựa trên nghiên cứu sinh viên Mỹ.  Cho đến tháng 12/2014, về cơ bản, những mô hình hay học thuyết về Sinh viên thành công dành cho sinh viên quốc tế tại Mỹ là chưa có.

Vào lúc đó, nếu tôi viết bài luận dựa trên những gì tôi được học, có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho bản thân.  Nhưng tôi đã lựa chọn viết một bài luận không theo bất kỳ “mô hình” và học thuyết nào đã được học, và tôi chia xẻ suy nghĩ của mình về sinh viên quốc tế ở đại học A&M – CC với tiêu đề “Untold Stories of Asian International Students at A&M - CC” (tạm dịch, Những câu chuyện chưa kể về Sinh viên Quốc tế châu Á ở A&M CC), với những góc độ của một người đang trải nghiệm đúng những gì mà sinh viên châu Á đang đối mặt ở đại học A&M – CC.

Bài viết này đã vấp phải 2 luồng ý kiến.  Một ủng hộ những chia xẻ của tôi, và một thì phản đối.  Và tôi tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đi gặp gỡ và tìm hiểu sâu hơn về sinh viên châu Á, thậm chí là đi gặp những người đã tốt nghiệp ra trường, để hiểu hơn về thế nào là một sinh viên quốc tế được coi là thành công.

Quay lại về thực tế học ở Việt nam, dù ở cấp nào.  Ngày tôi bảo vệ luận án thạc sỹ về luật chuyển giao công nghệ tại Đại học Tổng Hợp Hà nội năm 1997, khi tôi trình bày một ý kiến khác với một thầy phản biện, thầy thể hiện rõ sự không hài lòng và đánh giá tôi, dưới góc độ rất cá nhân, “Bướng, đã bảo là không phải như vậy”! 

Hy vọng từ 1997 đến nay (2018) có thể khá hơn ư? Tiếc là có vẻ không phải vậy, khi tôi đọc một dự thảo chương trình cải cách giáo dục phổ thông, chủ biên chương trình giải thích về việc học liên môn, cải cách giáo trình… theo lập luận “dựa trên nghị quyết Đảng, Nghị Quyết Quốc hội” [3], bất chấp việc chúng ta thử thách nền giáo dục Việt nam trên 20 năm, và với hàng tỷ đô la đi vay tiêu cho cải cách.

Trong bài viết “Nghị Quyết của Quốc hội bị lạm dụng” [3], điều tôi thiếu chưa chỉ ra là những con người như chủ biên chương trình KHÔNG là con người tự do để nói ra được đúng và trung thực những gì đáng ra là cần cho giáo dục Việt nam.  Vì họ không là con người tự do, họ phải “núp” dưới “Nghị Quyết” để che dấu những sai sót, từ tư duy đến thiếu thực tiễn nghiên cứu, và cuối cùng, dựa vào Nghị Quyết, họ đã và đang hy sinh tương lai của dân tộc này…và cũng chỉ vì “Nghị Quyết”!

Trách nhiệm của những người phụ trách giáo dục Việt nam ở đâu?

Trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước này đang ở đâu?

Họ có thực sự yêu nước, yêu người dân, yêu học sinh của mình không, khi cải cách giáo dục hơn 20 năm vẫn không làm năng lực lao động của người Việt khá hơn?
Những lập luận về việc học kỹ năng và tri thức của thế giới lúc nào cũng đúng, với điều kiện, chúng ta ứng dụng vào con người Việt, môi trường học tập Việt nam như thế nào?  Khi tôi hỏi, “Lòng yêu nước” thì là khái niệm được dạy dưới tên là “kỹ năng” (skills) hay “năng lực” (competences), ai có thể trả lời cho tôi?

Những người phải chịu trách nhiệm về giáo dục, về quản trị xã hội Việt nam hiện nay, đã và đang chạy theo cái “tên”, chứ không hề có nội dung bản chất trong những thứ tên tuổi đó..mà một vài ví dụ sẽ được nêu dưới đây để tham chiếu.

Cuối cùng, như nhiều người đã và vẫn sẽ nói, “Chúng ta đang xây nhà từ mái” [4], để mô tả hiện trạng của tất cả các vấn đề, trọng tâm là giáo dục, ở Việt nam.

III - Những gì là “chuẩn” và “quốc tế hóa” giáo dục ở Việt nam”: Nhìn từ thực tế 20 năm

Tôi sinh năm 1974, tôi sẽ không nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng xin phép được đề cập đến những gì là thực tiễn của Việt nam trong hơn 20 năm, có nghĩa là từ 1994, năm tôi tốt nghiệp đại học, cho đến nay.

Về việc dạy và học ngoại ngữ:

Toàn bộ việc học từ cấp 1 đến đại học của tôi là tiếng Nga. Việc lựa chọn học tiếng Nga, chuyên Nga trong thời gian rất dài của nền giáo dục Việt nam, bỏ qua các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Pháp và tiếng Anh, có lẽ giờ này nhiều người hiểu rõ, chúng ta đang phải trả giá thế nào, mặc dù, lịch sử Việt nam có là “thuộc địa” của mấy nước có ngôn ngữ đấy.  Tôi được lý giải về vấn đề này, là chúng ta dạy tiếng Nga theo sự “lựa chọn về chính trị”.

Cho giai đoạn hơn 15 năm qua, giáo dục Việt nam mở cửa, và tiếng Anh, tiếng Pháp, được dạy trở lại. Với dòng đầu tư nước ngoài vào Việt nam sau 1996, tiếng Anh là “hot” nếu muốn làm việc cho nước ngoài.  Nhưng khốn thay, 64% sinh viên Việt có nguyện vọng muốn “làm trong nhà nước” [5] và với văn hóa 5C (“Con cháu các cụ cả”), nên mặc dù chính sách mở rộng dạy và học tiếng Anh, tiếng Anh vẫn không thể là “ngôn ngữ thứ 2” hay phổ biến trong xã hội, trong nghiên cứu, như các nước trong khu vực châu Á được!

Hầu hết học và dạy tiếng Anh, hay ngoại ngữ nào ở Việt nam, trong thời gian dài và cho đến nay, đều là “hình thức”, vì chạy theo “lấy chứng chỉ”, chứ không phải năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. 

Hài hước hơn, để thỏa mãn “dạy tiếng Anh từ cấp 1”, nhưng do thiếu giáo viên, do n nguyên nhân (tham nhũng chính sách ?), nhà trường liên kết với các trung tâm bên ngoài, dạy lấy tiền của học sinh, nhưng khi được hỏi đến, hiệu trưởng thú thật “Tôi không biết tiếng Anh, nên cũng không rõ họ dạy cái gì” [6].

Có nghĩa là, thoát được “dạy và học” theo chủ nghĩa và lựa chọn chính trị, thì bị vướng vào vòng “dạy và học vì chứng chỉ”.  Thế nên, tự mình trói mình, ai sẽ cởi được cho mình?

Tôi có không ít hơn 3 bài viết phân tích về việc, chỉ cần nhìn vào những quyết định về dạy và học tiếng Anh, để hiểu về trình độ và thực trạng thảm hại của giáo dục Việt nam.  Chi tiết hơn, xin được gửi đường link cho một bài viết về Chính sách dạy tiếng Anh ở Việt nam được xây dựng từ đâu?, để tham chiếu cho một thực trạng “không chiến lược, không tư duy khoa học” trong dạy và học tiếng Anh hiện nay.

http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/chinh-sach-ve-day-tieng-anh-o-viet-nam-duoc-xay-dung-tu-dau.html
 
Về việc nhập giáo trình nước ngoài

Trong quá trình 15 năm qua, các đại học, các trường từ cấp 1 – cấp 3 của Việt nam nhập khá nhiều các chương trình và giáo trình nước ngoài vào dạy.

Dễ dàng nhận ra sự “loạn” về giáo trình nước ngoài trong các chương trình dạy tiếng Anh và bằng tiếng Anh ở các trường phổ thông. 

Ví dụ gần nhất, cứ vài năm, Ủy ban Nhân Dân Tp. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo, lại thay đổi đối tác và giáo trình giảng dạy tiếng Anh ở các trường công lập [7], hay Hà nội quyết định thí điểm ứng dụng tú tài hai bằng [8], với chứng chỉ của Anh, nhưng không rõ sau đó sẽ là gì?, và tương tự vậy, trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đã xem xét tuyển sinh dựa trên kết quả thi SAT, dẫu cho SAT không được dạy chính thức trong hệ thống giáo dục Việt nam…[9], bất chấp sự thật là ngay ở Mỹ, số lượng các đại học (kể cả đại học uy tín như Đại học Chicago, Đại học Harvard) khuyến cáo sử dụng những kết quả các kỳ thi chuẩn hóa như SAT, IELTS như một “tham khảo” khi xét tuyển sinh vào đại học…

Nếu nhìn vào các chương trình đại học dạy bằng tiếng Anh với tên gọi “Chương trình tiên tiến”, tổng kết kết quả của chương trình với việc nhập khẩu giáo trình nước ngoài, cùng với hỗ trợ từ giáo viên các trường đối tác, thì có lẽ, nhập khẩu giáo trình nước ngoài, chúng ta cũng chưa có đủ năng lực để “tiêu hóa” [10].  Nhưng bất chấp sự thật, chúng ta vẫn đang mạnh dạn “Nhập khẩu các giáo trình…để không phải đi du học” [11], như những kẻ vừa mù vừa điếc, làm việc bất chấp hệ quả và nạn nhân, “các sinh viên thân yêu” cứ thế mà đóng tiền học, trả giá cả cuộc đời còn lại sẽ đến sau 4 năm học!

Với những gì đã diễn ra cho nhập khẩu giáo trình, nhập khẩu chương trình, phải thú thật là tôi không rõ, do “quan trí” thấp, hay do được “lại quả” đủ lớn, để các lãnh đạo giáo dục Việt nam cứ diễn mãi các bài “móc tiền” từ học sinh sinh viên và xã hội Việt nam, mà không hề thấy xấu hổ!

Về “dân chủ”, “tự chủ”…trong giáo dục và nền giáo dục “Công dân toàn cầu” hướng đến thời công nghệ 4.0

Như đã chia xẻ về mục tiêu của giáo dục phải là đào tạo ra con người tự do, thì mới có công dân có trách nhiệm và có cống hiến cho xã hội được, nên trong mục “dân chủ”, “tự chủ” trong giáo dục, tôi hiểu rất rõ là một cách thức khác của quan điểm “trả lại tự do” cho giáo dục và cho những người làm giáo dục.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là ai được là người tự do, người thực hiện “dân chủ”, hay “tự chủ” trong môi trường giáo dục hiện nay?

Tháng 12/2017, Ủy ban có tổ chức hội thảo về tự chủ trong giáo dục đại học tại Tp. Hồ Chí Minh.

Khổ thay, hội thảo được trở thành nơi “than khổ” của tất cả các trường phía Nam, về việc “chỉ tay cầm việc”, từ việc nhỏ đến việc lớn, được luật hóa qua không biết bao nhiêu “rừng” quy định trong giáo dục đại học.

Tôi được mời tham dự hội thảo, và nhớ đến một câu hỏi rất hay của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, là “Tại sao Nhà nước, Bộ Giáo dục Đại học muốn các trường tự chủ về tài chính, nhưng lại can thiệp vào tất cả các mảng khác?”

Tôi hiểu là rất khó để bất kỳ ai có thể trả lời được câu hỏi này hiện nay, cũng như câu hỏi về mục tiêu giáo dục của Việt nam, muốn đi quốc tế, muốn đi toàn cầu, phải làm gì để là người, là tổ chức tự do học thuật, tự do ngôn luận được?

Để kết lại, chỉ xin dẫn một ví dụ nhỏ của một chương trình hội thảo về nghiên cứu khoa học, tổ chức ở Trung Quốc, đã bị cả thế giới học thuật lên án và “kêu gọi từ bỏ”, khi Chính phủ Trung Quốc có những hành động cấm và hạn chế, hay cắt bỏ nội dung những nghiên cứu của các trường/nhà nghiên cứu phương Tây khi tham dự [12].

Với những đề xuất cho giáo dục Việt nam, tôi đã viết trên website www.newasiagloballearning.com trong 2 năm 2016-2017.  Đặc biệt trên đó, tôi đã có bài đề xuất về nghiên cứu và đánh giá lại thực trạng của giáo dục Việt nam và qua đó, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục hướng đến kỹ năng lao động toàn cầu cho người Việt nam.

Nếu Quý Ủy ban nhận thấy có nhu cầu, cần quan tâm, xin khảo sát các bài viết đăng trên đó hoặc có thể liên hệ với tôi qua email được ghi trong trang 1 của bài viết.

Lời chúc cuối cùng của tôi, và cũng là lý do, tôi đã từ bỏ mọi điều ở Việt nam để đi sang Mỹ học về giáo dục, đó là tôi mong chúng ta phải xây dựng được một nền giáo dục Việt:

PHẢI TỰ HỌC ĐỂ VƯỢT LÊN SỐ PHẬN ĐAU ĐỚN CỦA DÂN TỘC TRONG HƠN 1 THẾ KỶ QUA.

Chúng ta lựa chọn cuộc sống tốt đẹp, văn minh với thế giới, chứ không lựa chọn là một dân tộc “ăn bám”, “thiếu lòng tự trọng” và phụ thuộc vào lòng tử tế của nước khác.

Đó là bản chất cơ bản của một con người tự do, và một dân tộc tự do, và đó là mục tiêu duy nhất của giáo dục và quốc tế hóa giáo dục.

Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-gan-70-bai-thi-mon-tieng-anh-diem-duoi-trung-binh-853244.htmlhttp://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chung-chi-ngoai-ngu-mon-no-kho-tra-20170410080439131.htm
[2] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-truong-noi-vu-hai-con-toi-di-du-hoc-cung-khong-ve-3335550.html
[3] http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/nghi-quyet-quoc-hoi-bi-lam-dung-hay-ai-dang-lam-giao-duc-viet-nam-ra-nong-noi-nay.html
[4] https://theleader.vn/giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-nha-khong-the-xay-tu-mai-20180205000916429.htm
[5] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/2-3-sinh-vien-thich-lam-viec-trong-khu-vuc-nha-nuoc-352292.html
[6] http://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/tai-sao-toi-phai-mua-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu.htmlhttp://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/ket-noi-toan-cau-hieu-ung-dia-phuong-va-cau-chuyen-day-tieng-anh.htmlhttp://www.newasiagloballearning.com/tin-tuc/chinh-sach-ve-day-tieng-anh-o-viet-nam-duoc-xay-dung-tu-dau.htmlhttp://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Toi-khong-thao-tieng-Anh-nen-kho-noi-lien-ket-ngoai-ngu-day-cai-gi-the-nao-post174437.gd
[7] https://news.zing.vn/thay-sach-tieng-anh-tieu-hoc-xoanh-xoach-post652052.htmlhttps://baomoi.com/co-hay-khong-so-gd-dt-tp-hcm-doc-quyen-sach-tieng-anh/c/23672502.epi;
[8] https://baomoi.com/ha-noi-mo-rong-viec-thi-diem-chuong-trinh-dao-tao-song-bang-tu-tai/c/25767612.epi
[9] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tuyen-sinh-2018-dung-sat-ielts-xet-tuyen-vao-dai-hoc-viet-nam-424570.htmlhttp://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/sat-act-ky-thi-chuan-hoa-my-va-viec-xet-tuyen-sinh-dai-hoc-o-viet-nam-353299.html
[10] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.htmlhttps://tuoitre.vn/nhieu-dh-nhap-khau-chuong-trinh-dao-tao-hieu-qua-ra-sao-20171121092946435.htm
[11] https://theleader.vn/se-nhap-cac-giao-trinh-dao-tao-tien-tien-ve-nuoc-de-khong-phai-di-du-hoc-nua-20180606100342886.htm
[12] https://www.the-scientist.com/daily-news/academics-protest-chinas-censorship-requests-30262https://www.timeshighereducation.com/features/how-can-scholars-tackle-rise-chinese-censorship-west
_________________________________
[18] Chiến lược Đại học Việt nam lọt vào Top 200 Đại học Hàng Đầu thế giới phá sản, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-viet-nam-lot-top-200-the-gioi-de-vay-sao-post80204.gd;  https://thanhnien.vn/giao-duc/dh-xuat-sac-vn-dang-o-dau-689324.html; Học thế nào, https://hocthenao.vn/2014/09/10/giao-duc-dai-hoc-co-yeu-to-nuoc-ngoai-o-viet-nam-pham-hanh-minh/
Bài viết bạn có thể quan tâm
Tin tức nổi bật
Học “bảo vệ” bản thân thế nào trong thời đại IoT?
Học “bảo vệ” bản thân thế nào trong thời đại IoT?
Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21
Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21
​NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM
NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM – GÓC NHÌN CỦA “NGƯỜI TRONG CUỘC”
Impacts of library and self-learning by VEF and FETP students to complete programs
Impacts of library and self-learning by VEF and FETP students to complete programs
Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt nam
Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt nam
Chia sẻ nổi bật